(LSO) - Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay người dân trồng tiêu tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vẫn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Để làm được điều này, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, còn có sự đồng hành của Agribank Phú Quốc trong suốt nhiều năm qua.
Đặc sản tiêu Phú Quốc và những bước thăng trầm
Những lão nông trên vùng đất này kể lại: Cây tiêu có mặt ở Phú Quốc cách nay hàng trăm năm. Do phù hợp với thổ nhưỡng của đất đảo, nên Tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng. Đặc biệt, tiêu trồng ở đây có hàm lượng tinh dầu cao, nên đậm vị hơn nhiều so với tiêu được trồng ở các nơi khác. Tiêu Phú Quốc có 3 loại chính: tiêu đỏ (là tiêu chín trên cây); tiêu đen (là hạt tiêu còn xanh, được hái hàng loạt rồi phơi khô) và tiêu sọ (là loại đã được bóc vỏ, chỉ còn lại lõi hạt).
Bà Nguyễn Thị Nga (xã Bãi Thơm) bắt đầu trồng tiêu từ năm 1997 đến nay. Ban đầu chỉ trồng có vài trăm bụi, nay vườn tiêu của gia đình bà Nga lên đến 1.500 bụi.
Từ năm 2015 trở về trước, giá tiêu rất cao, có khi lên đến 300.000 đồng/kg tiêu chín. Với giá này, thì nhà vườn thu lãi rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tiêu liên tục rớt giá. Cũng như các nhà vườn khác, gia đình bà Nga khá vất vả tìm kiếm đầu ra cho cây tiêu. Thế nhưng, không vì điều này mà bà Nga quay lưng lại với loại cây đặc sản này.
Hướng đi mới cho cây Tiêu Phú Quốc
Sau khi tính toán kỹ hướng đi mới cho cây tiêu và nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình, bà Nga bắt đầu triển khai kế hoạch mở cửa đón khách tham quan vườn tiêu, ngoài hoạt động tham quan trải nghiệm, còn được gia chủ giới thiệu bài bản về loại đặc sản này. Dịch vụ mới của gia đình bà Nga bước đầu thu hút được du khách, nhờ vậy mà nguồn của gia đình có điều kiện tăng thêm.
Ông Trần Quốc Dương (xã Cửa Cạn) cũng có cùng suy nghĩ như bà Nga. Với quyết tâm giữ gìn vườn tiêu hơn 2 ha của gia đình, ông Dương vừa đầu tư chăm sóc, vừa kết hợp mở cửa đón khách tham quan và bán các sản phẩm từ tiêu của vườn nhà.
Hiện nay, Phú Quốc có khoảng 360 ha tiêu, tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ, với sản lượng khoảng 800 - 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên thời gian gần đây, cây tiêu ở Phú Quốc không còn được giá như trước, nhiều người dân phải ngậm ngùi thu hẹp diện tích trồng tiêu của gia đình.
Nhằm góp phần tháo gỡ bớt khó khăn cho người trồng tiêu, ngành nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: ứng dụng hệ thống tưới phun xòe tự động, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước… Bên cạnh đó, để gia tăng lợi nhuận, nhiều nhà vườn trồng tiêu tại huyện đảo Phú Quốc đồng loạt chuyển hướng sản xuất kinh doanh, đó là thực hiện mô hình trồng tiêu kết hợp với dịch vụ mở cửa vườn đón khách tham quan và bán sản phẩm tại chỗ cho khách du lịch.
Agribank Phú Quốc tiếp sức gìn giữ đặc sản địa phương
Song hành với sự nỗ lực của người dân và định hướng phát triển của chính quyền địa phương là sự tiếp sức về vốn của Agribank. Sự hậu thuẫn này của Agribank đã giúp bà con nông dân huyện đảo Phú Quốc có thêm niềm tin, vượt qua khó khăn để gìn giữ và phát triển những vườn tiêu - một loại đặc sản nổi tiếng, gắn liền với địa danh Phú Quốc.
Và hướng đi mới này đã có tín hiệu vui. Những năm gần đây, nhờ du khách đến với Phú Quốc ngày càng đông nên dịch vụ tham quan vườn tiêu và mua sản phẩm trực tiếp tại vườn cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Mô hình trồng tiêu kết hợp với khai thác du lịch là hướng đi đúng đắn, đã mang lại lợi nhuận cao hơn cho bà con nông dân.
Theo thống kê của Agribank Phú Quốc, hiện nay tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 83% trên tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay mô hình trồng tiêu khoảng trên 30 tỷ đồng, với 42 khách hàng còn dư nợ.
Ông Trần Quốc Dương cho biết: “Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ Agribank Phú Quốc từ nhiều năm qua để gia đình mở rộng diện tích canh tác, đầu tư kỹ thuật chăm sóc, phục vụ cho du lịch, thì gia đình tôi cũng không có khả năng giữ cây tiêu đến ngày hôm nay”.
Tiêu là một đặc sản địa phương và là món quà độc đáo với khách du lịch gần xa. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không chỉ vì mục đích kinh tế mà nó còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch. Với sự tận tâm, nỗ lực của bà con nông dân, các đơn vị hữu quan cùng với sự đồng hành, tiếp sức của Agribank Phú Quốc chắc chắn sẽ giúp cây tiêu Phú Quốc sớm trở lại thời hoàng kim và phát triển bền vững hơn.
PV