Tích cực góp phần vào thành công chương trình xóa đói giảm nghèo
Trong hơn ba thập kỷ vừa qua, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu và là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế, hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn đề ra (năm 2015). Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh.
Trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (2016-2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1%-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm. Để nâng cao hiệu quả của chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã gộp tất cả các chương trình xóa đói, giảm nghèo thành một chương trình đó là “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam thực hiện hàng loạt các chương trình, chính sách nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều một cách bền vững. Việc đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng là nhờ tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam trong hơn ba thập niên vừa qua được đánh giá là mang tính bao trùm, đại đa số người dân được tham gia vào tăng trưởng và hưởng lợi từ quá trình này.
Góp phần làm nên thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành ngân hàng và Agribank, thông qua ban hành, triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tín dụng cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, từ năm 2015 đến nay Agribank đã cho vay gần 220 nghìn lượt khách hàng; doanh số cho vay đạt trên 6.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay tại thời điểm 31/3/2021 là 643 tỉ đồng với 7.685 khách hàng. Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đem đến cuộc sống mới khởi sắc cho người dân khu vực nông thôn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, Agribank góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đem đến cuộc sống mới khởi sắc cho người dân.
Agribank luôn là đầu tàu cung cấp nguồn vốn đầu tư hiệu quả cho cả nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng gần 1,3 triệu tỉ đồng với hơn 20 triệu khách hàng (chiếm thị phần lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng về cấp tín dụng đối với nền kinh tế). Nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Agribank dành hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, đưa tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
Agribank đang triển khai hiệu quả 07 chính sách tín dụng, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng. Cụ thể, đến 31/3/2021, Agribank cho vay theo Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 843.040 tỉ đồng với gần 3,2 triệu khách hàng; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 1.953 tỉ đồng với 7.690 khách hàng; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đạt 903 tỉ đồng với 16.585 khách hàng; Cho vay một số chính sách phát triển thủy sản đạt 3.744 tỉ đồng với 581 khách hàng; Cho vay tái canh cà phê đạt 259 tỉ đồng với 740 khách hàng; Cho vay xây dựng nông thôn mới tại 100% số xã trên cả nước đạt 570.883 tỉ đồng với 2.436.436 khách hàng…
Đến nay, thông qua phối hợp với Trung ương Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Agribank đã phát triển gần 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên với dư nợ cho vay đạt 174.032 tỉ đồng; đồng thời triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 15.690 phiên giao dịch, phục vụ gần 1,5 triệu khách hàng tại địa bàn 454 xã trên toàn quốc, giải ngân 5.679 tỉ đồng, thu nợ 6.208 tỉ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỉ đồng... Với mục tiêu gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại của các cá nhân, gia đình, qua đó thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đang tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn và cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình với nguồn vốn tối thiểu 5000 tỉ đồng. Tính đến 31/3/2021, kết quả triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn đạt gần 500 tỉ đồng, hạn mức thấu chi đã cấp là trên 1.756 tỉ đồng với 266.853 thẻ và 2.530 POS được lắp đặt mới. Cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình hạn chế tín dụng đen sau hơn 2 năm triển khai doanh số đã vượt xa quy mô ban đầu với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt 29.931 tỉ đồng, dư nợ 2.319 tỉ đồng, số khách hàng lũy kế từ đầu chương trình là 499.180 khách hàng.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Agribank không ngừng gia tăng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.
Mới đây, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và các kênh ngân hàng điện tử nhằm thu hút khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và quan trọng nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và cộng đồng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp.
Phát huy thế mạnh của ngân hàng thương mại có mạng lưới rộng lớn nhất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng thương mại duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo. Agribank triển khai hiệu quả việc chuyển tải vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đến gần với bà con nông dân, có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.
Tiếp tục làm tròn sứ mệnh phục vụ “Tam nông”
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, thông qua nguồn vốn tín dụng, Agribank đã và đang tích cực đồng hành cùng các địa phương có những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự dịch chuyển về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem đến nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho người nông dân. Với mong muốn cùng các địa phương phát triển bền vững, tiếp tục làm tròn sứ mệnh “Tam nông”, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong giai đoạn 2015 - 2020, Agribank xác định tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiên định mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…
Đồng thời, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn với nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Bên cạnh cung ứng kịp thời nhu cầu vốn và sử dụng sản phẩm dịch vụ, Agribank triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho vay, khoanh nợ, xóa nợ, giãn nợ, hạ lãi suất, kéo dài thời hạn để các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo được hưởng ưu đãi nhiều nhất trong quan hệ tín dụng hiện nay.
Nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Riêng trong năm 2020, Agribank tiên phong hỗ trợ khách hàng với 07 lần giảm lãi suất cho vay, trong đó có 04 lần giảm với lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của Agribank thấp hơn trần quy định của NHNN, thể hiện sự quyết tâm của Agribank trong việc tiên phong, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về điều hành lãi suất, thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng, đưa tín dụng ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, nhất là quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đầu năm 2020 đến nay với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Agribank sẵn sàng giải cứu, hỗ trợ người dân, khách hàng tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, phục hồi và sản xuất kinh doanh ổn định, trong đó tập trung triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021 của Ngân hàng Nhà nước; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến 22/04/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Agribank là 170.793 tỉ đồng. Agribank đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01 đối với 34.375 tỉ đồng, trong đó cơ cấu lại nợ (gốc, lãi) 29.635 tỉ đồng cho 13.000 khách hàng; Miễn, giảm lãi cho 1.533 khách hàng với dư nợ 4.740 tỉ đồng; Thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh số hơn 158.000 tỉ đồng đối với 26.000 khách hàng.
Cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “không để một ai bị bỏ lại phía sau”, Agribank rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội với nhiều dự án, chương trình tài trợ tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động an sinh xã hội được Agribank ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trạm y tế, công trình giao thông nông thôn...
Agribank góp phần đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả.
Với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm xấp xỉ 70% tổng dư nợ của Agribank và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam, với việc tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, Agribank góp phần tích cực cùng hệ thống chính trị đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Trong thành tựu của 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020), nguồn vốn cho vay của Agribank với vai trò là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên khắp địa bàn cả nước, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam, đã góp phần khẳng định vị thế “đầu tàu” của Agribank trong việc đưa phong trào xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn so với thời gian mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao; tạo được bước chuyển và phát triển rõ nét cho diện mạo nông thôn Việt Nam khi đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ở nhiều vùng quê được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người và tỉ lệ hộ giàu ngày càng tăng, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Thời gian tới với mục tiêu của Việt Nam mỗi năm giảm từ 1 đến 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Agribank cam kết với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những thành tựu lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của Việt Nam.
PV