Ảnh minh hoạ.
Việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ không chỉ đem lại những sự tiện dụng, thuận lợi hơn khi thực hiện các giao dịch gửi tiền, chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng mà còn đã xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn có thể tấn công trực tiếp vào hệ thống bảo mật của các ngân hàng hoặc tài khoản của người dùng để chiếm quyền kiểm soát tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, có nhiều vụ việc các nhân viên, cán bộ của các ngân hàng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, những “kẽ hở” trong quy trình hoạt động, công tác quản lý của các ngân hàng, cũng như sự tin tưởng của khách hàng để thực hiện các hàng vi gian lận, lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Qua những vụ việc gần đây cho thấy, các quy trình hoạt động, quản lý nội bộ nói chung, cũng như công tác quản lý, giám sát cán bộ, nhân viên của một số ngân hàng còn có những hạn chế, khiếm khuyết không nhỏ. Sự tha hóa, móc nối, thông đồng giữa các nhân viên, cán bộ ngân hàng đang trở thành một thách thức rất lớn đối với công tác đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng. Để ngăn chặn được các hành vi sai phạm trong nội bộ đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng được các quy trình hoạt động, cơ chế giám sát, kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn nữa, việc thanh tra, kiểm tra nội bộ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả hơn nữa.
Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì giữa các bên đã phát sinh giao dịch (hợp đồng) vay tài sản, với bên cho vay là khách hàng và bên vay là ngân hàng. Tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Đồng thời, ngân hàng (bên vay) sẽ “trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.” Do đó, ngân hàng có quyền sở hữu, quản lý và sử dụng tiền gửi của khách hàng nhưng cũng phải chịu các rủi ro đối với số tiền gửi này theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, “chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Tuy nhiên, tại điểm g Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ngày 28/02/2019 và Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ: “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình”. Theo các quy định này thì việc xác định trách nhiệm hoàn trả tiền hay bồi thường cho khách hàng sẽ căn cứ vào việc khách hàng có lỗi trong việc bị mất tiền trong tài khoản hay không?
Nếu khách hàng không có lỗi thì ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng (trả nợ gốc và lãi) theo đúng hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Bởi vì, các ngân hàng luôn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng và khi xảy ra các mất mát, rủi ro (không do lỗi của khách hàng) thì ngân hàng luôn phải có trách nhiệm đối với khách hàng, dù đó là hành vi chiếm đoạt tiền của các đối tượng ngoài ngân hàng hay những cán bộ, nhân viên trong nội bộ ngân hàng. Ngân hàng có quyền yêu cầu các đối tượng này hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho ngân hàng, và dù có thu hồi được tiền hay không thì ngân hàng vẫn sẽ có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tại Điều 600 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này là chưa đầy đủ và có sự chi tiết, rõ ràng cần thiết nên trong nhiều vụ việc thì các ngân hàng vẫn luôn tìm cách né tránh, đẩy trách nhiệm bồi thường cho các cán bộ, nhân viên ngân hàng có sai phạm. Đồng thời, thực tiễn xét xử của các Tòa án cũng chưa có tính thống nhất trong cách thức giải quyết. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của pháp luật, để làm rõ và chi tiết hơn nữa trách nhiệm của ngân hàng và các cá nhân có liên quan, để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật, cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp và chính đáng của những người gửi tiền.
Còn nếu khách hàng hoàn toàn có lỗi dẫn đến việc bị mất tiền trong tài khoản thì sẽ không có quyền yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, khách hàng có quyền trình báo với cơ quan Công an để yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc, xác định đối tượng đã chiếm đoạt tiền trong tài khoản của mình, cũng như yêu cầu đối tượng đó hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, do việc hoàn trả tiền hay bồi thường thiệt hại là vấn đề dân sự nên giữa khách hàng, ngân hàng và các bên có liên quan sẽ có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận cách thức giải quyết. Nếu các bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.
Có thể nói rằng sự bảo mật và an toàn tiền gửi của các ngân hàng luôn phải ở mức cao nhất, bao gồm nhiều biện pháp, nhiều tầng, nhiều lớp kiểm soát, bảo đảm an toàn rất chặt chẽ. Tuy nhiên thực tế, vẫn xảy ra nhiều vụ việc khách hàng bị mất tiền như hiện nay là một hiện tượng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín, cũng như niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ quan chức năng và các ngân hàng trong việc đúc rút kinh nghiệm, thường xuyên rà soát, kiểm tra và đánh giá lại các quy định, quy trình, cơ chế hoạt động và quản lý, để tìm ra và kịp thời bịt kín những “kẽ hở” và khắc phục những khiếm khuyết có thể phát sinh tiêu cực hoặc rủi ro (nếu có).
Đối với các khách hàng cũng cần phải có sự quan tâm và thận trọng rất lớn trong việc kiểm soát, bảo vệ các thông tin cá nhân, cũng như thông tin về tài khoản của mình. Khi ký kết hợp đồng với ngân hàng, gửi tiền, rút tiền hoặc thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản thì không chỉ tin tưởng và làm theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng mà cần phải tìm hiểu, nắm rõ, tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, quy định của ngân hàng, đọc kỹ các văn bản, hợp đồng trước khi ký, thường xuyên cập nhật các thông báo, khuyến cáo của ngân hàng và các cơ quan chức năng, để tránh việc bị lừa đảo, mất tiền hoặc vướng vào những rắc rối pháp lý.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội