Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế); ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương; Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Công ty cổ phần thương mại Dịch vụ Taco Việt Nam.
Thực trạng vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay
Tiến sĩ Trần Cao Sơn (bên phải), Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay, Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, hơn 90% các sản phẩm thực phẩm của doanh nghiệp là tự công bố. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, tự công bố không có nghĩa là làm thế nào cũng được, mà các hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn phải bảo đảm dưới hoặc tối đa bằng mức quy định của Bộ Y tế. Để tự công bố, doanh nghiệp phải có phiếu kiểm nghiệm kết quả sản phẩm.
Từ kết quả tự công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về ATTP sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích xem kết quả, bản công bố đó có bảo đảm đúng quy định, an toàn cho người sử dụng hay không. Việc hậu kiểm này phụ thuộc nhiều vào kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm, nếu kết quả kiểm nghiệm chính xác sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định xử lý vi phạm chính xác và ngược lại.
Hiện nay, quá trình hậu kiểm do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Theo phân cấp, ở Trung ương thuộc quản lý của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ở địa phương thuộc quản lý của ban, ngành địa phương.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, thực phẩm không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến nhiều người tiêu dùng khó để lựa chọn được những sản phẩm đảm bảo an toàn là điều diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã phát hiện và xử lý hơn 33.000 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Về nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, ông Công cho rằng chủ yếu là do các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi tạo ra sự nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Công ty cổ phần thương mại Dịch vụ Taco Việt Nam cho biết, vấn đề ATTP luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, công ty luôn chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc tế trong khâu vận hành sản xuất, nâng cao chất lượng nhân công, đảm bảo các nguyên liệu đầu vào sạch, an toàn…
Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Công ty CP TM Dịch vụ Taco Việt Nam.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trước thực trạng về thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030. Trước đó, cũng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này. Trong đó phải kể đến: Luật ATTP, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Bộ luật Hình sự, các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật này và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
"Có thể thấy, hệ thống pháp luật hiện nay về ATTP là tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện cũng như kiểm soát vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, đã phân công được trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật còn xuất hiện một số tồn tại chưa được giải quyết triệt để như: Khó khăn trong quá trình áp dụng vì có quá nhiều văn bản pháp luật cùng quy định về một vấn đề; có sự chồng chéo giữa các quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau; tính áp dụng trên thực tế của các văn bản chưa cao; còn nhiều mặt hàng chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn ATTP…
Do đó, để giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, cần sự đồng bộ từ 3 phía giải pháp: Cơ chế – Chính sách; Kinh tế – Xã hội; Khoa học – Công nghệ cũng như hành động từ phía nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng", Luật sư nói.
Những bất cập và khuyến nghị giải pháp
Về những vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, theo ông Thân Đức Công chủ yếu tập trung vào quá trình vận chuyển, sản xuất, bảo quản thực phẩm; việc sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm; sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc; nhân viên sản xuất chưa được đào tạo, tập huấn bài bản… Bên cạnh đó, xu hướng đặt hàng online ngày càng gia tăng, đặc biệt sau giai đoạn giãn cách, hạn chế tiếp xúc của Covid-19 kéo dài, người dân thích đặt đồ ăn hơn là đi ăn ở ngoài. Tuy nhiên, bất cập là tuy nhận đồ ăn thì có vẻ ngon, nhưng công đoạn nhập nguyên liệu, chế biến,… của các cơ sở kinh doanh ăn uống thì khách hàng không thể kiểm soát được.
Ông Công cho biết thêm, thời gian qua, nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong việc quản lý, xử phạt trong lĩnh vực ATTP. Lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, giám sát; thành lập các tổ chuyên trách theo dõi vấn đề ATTP trên các sàn thương mại điện tử, bên cạnh đó phối hợp với các ban, ngành liên quan để quản lý, xử lý vi phạm.
Luật sư Trần Thị Thanh Lam (bên trái), Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Về chế tài xử phạt, Luật sư Trần Thị Thanh Lam cho biết, mọi hành vi vi phạm ATTP sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Hiện nay, các chế tài xử phạt về vấn đề này gồm: Xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Các trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. Theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Đối với những hành vi có tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự.
Để giải quyết thực trạng về thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, các quy định có liên quan đến vệ sinh ATTP cần phải có sự phù hợp với tình hình, khắc phục tình trạng chồng chéo; đùn đẩy trách nhiệm làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước về những văn bản pháp luật liên quan đến ATTP. Bên cạnh đó, cần đề ra những chính sách nhằm ngăn chặn các sản thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta; gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Các cơ quan thẩm quyền liên quan cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động thực vật, trồng trọt, cơ sở chế biến…), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm vệ sinh ATTP.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trần Cao Sơn cho rằng, công tác quản lý cần được đảm bảo và siết chặt hơn trong khâu sản xuất, chế biến. Các quy định và hình thức xử phạt với các cơ sở vi phạm cũng cần được đề ra và thực hiện một cách nghiêm túc và quyết liệt hơn. Đồng thời, cần đầu tư xây dựng, phát triển công nghệ; nâng cao chất lượng kiểm định thực phẩm; đào tạo nhân lực để tiếp cận những phương pháp kiểm nghiệm mới…
LINH NHI - LÂM HOÀNG
Tọa đàm 'An toàn thực phẩm - Thực tiễn hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp'