Trụ sở hãng dược GlaxoSmithKline. Ảnh: Reuters.
Cơ quan quản lý dược phẩm Anh (MHRA) nêu rõ Xevudy được chấp thuận dùng để điều trị cho những người mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình và đang có nguy cơ cao phát triển bệnh nặng. Sự chấp thuận được đưa ra khi GSK tuyên bố riêng phương pháp điều trị đã được chứng minh là có tác dụng chống lại biến thể Omicron. Xevudy (Sotrovimab) là sản phẩm của công trình nghiên cứu chung giữa GSK.L và VIR.O.
Việc cơ quan này phê chuẩn thuốc kháng thể Xevudy diễn ra ngay sau khi công ty dược GlaxoSmithKline tuyên bố phương pháp điều trị này có hiệu quả với cả biển thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Trong một thông cáo, GlaxoSmithKline cho hay phân tích tiền lâm sàng về Covid-19 dựa trên kháng thể đã cho kết quả thuốc Xevudy (Sotrovimab) cũng hiệu quả điều trị đối với biến thể mới Omicron. GlaxoSmithKline sẽ tiếp tục tiến hành các thí nghiệm tiếp theo để củng cố kết quả này. Cũng theo kết quả trên, thuốc Xevudy giảm 79% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ cao bị nhiễm Covid-19.
Sau thông báo trên của GlaxoSmithKline, MHRA cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá liệu Xevudy (Sotrovimab) có hiệu lực đối với siêu biến thể Omicron hay không. Giống như thuốc Molnupiravir, Xevudy được phép sử dụng ở những người bị nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến trung bình, đồng thời có ít nhất một yếu tố gây nguy cơ phát triển thành bệnh nặng. Các yếu tố ấy bao gồm béo phì, cao tuổi (trên 60 tuổi), đái tháo đường hoặc bệnh tim. Xevudy (Sotrovimab) không phải là phương pháp được sử dụng thay thế cho tiêm vaccine phòng Covid-19.
Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý dược phẩm Anh (MHRA) June Raine phát biểu với báo giới: “Chúng tôi vui mừng thông báo chúng ta giờ đây đã có thêm một phương thức điều trị Covid-19 hiệu quả và an toàn, Xevudy (sotrovimab), cho những người có nguy cơ phát triển bệnh nặng". GlaxoSmithKline là công ty dược phẩm nổi tiếng của Anh, đặt trụ sở tại Brentford, London. Thành lập vào năm 2000, GSK hiện là doanh nghiệp phân phối các sản phẩm y dược lớn thứ sáu trên thế giới vào năm 2015, sau các hãng Pfizer, Novartis, Merck, Hoffmann-La Roche và Sanofi.
Trước đó, Chính phủ Anh ngày 01/12 thông báo đã đặt mua thêm 114 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna để tiêm mũi tăng cường cho người dân trong 2 năm tới. Các đơn hàng, gồm 60 triệu liều vaccine của Moderna và 54 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, được Anh đặt bổ sung sau khi xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Anh đặt mục tiêu trong 2 tháng tới sẽ tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi. Trước đó, nước này đã mở rộng diện đối tượng đủ tiêu chuẩn và rút ngắn khoảng cách giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi tiêm thứ 3 xuống còn 3 tháng (so với 6 tháng theo khuyến cáo ban đầu).
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid khẳng định vaccine là “vũ khí tối ưu” để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và các biến thể. Ông cũng cho biết đến nay Anh đã thực hiện hơn 115 triệu mũi tiêm, bao gồm cả mũi tăng cường. Hiện 80% dân số trên 12 tuổi ở Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và 30% đã tiêm mũi tăng cường. Nhằm thúc đẩy mục tiêu tiêm 3,5 triệu mũi/tuần, Thủ tướng Boris Johnson cho biết sẽ mở thêm các điểm tiêm chủng và huy động thêm ít nhất 400 quân nhân tham gia hỗ trợ Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) tiến hành tiêm vaccine.
Dự kiến, trong ngày 02/12, Thủ tướng Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến với các hãng dược phẩm AstraZeneca, GSK và Pfizer để thảo luận việc hợp tác nhằm “đối phó với các biến thể mới xuất hiện và các đại dịch trong tương lai”.
TTXVN
Bộ Y tế hoả tốc điều chuyên gia hỗ trợ Thanh Hoá cấp cứu, điều trị sau sự cố tiêm chủng vaccine