"20 USD có phải cái giá sinh mạng của một người da đen?" là câu nói mà ông Philonise Floyd, anh trai ông George Floyd - người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết, nêu ra trong phiên điều trần ngày 10/6 trước Ủy ban Tư pháp Quốc hội Mỹ.Cùng đó, vụ việc George Floyd khiến nhiều cử tri da trắng quay lưng với Tông thống Donald Trump. Dù vậy, vẫn quá sớm để dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
"20 USD có phải cái giá sinh mạng của một người da đen?"
Theo báo New York Times, một ngày sau khi ông George Floyd, nạn nhân da màu bị cảnh sát giết, được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà ở bang Texas, người anh trai Philonise Floyd đã tham dự phiên điều trần trước Hạ viện Quốc hội Mỹ bàn về vấn đề trách nhiệm của cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.
"Tôi tới đây để yêu cầu quý vị hãy chấm dứt những chuyện này", ông Floyd nói. Ông là nhân chứng đầu tiên và quan trọng tham gia điều trần, ngoài ra còn có một số nhà hoạt động nhân quyền khác.
"Những lời kêu cứu của George đã bị phớt lờ", ông Philonise Floyd nói, nhắc lại việc em trai ông đã không thể thở được và đã chết sau khi bị ghì chặt dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis trong suốt gần 9 phút ngày 25/5.
"Xin hãy lắng nghe nguyện vọng của tôi với quý vị lúc này, nguyện vọng của gia đình chúng tôi, và lắng nghe nguyện vọng đang vang lên khắp các con đường trên toàn thế giới. Người dân từ mọi tầng lớp, giới tính, chủng tộc đã đoàn kết lại để yêu cầu thay đổi", ông Philonise Floyd nói.
"Hãy tôn trọng họ, tôn trọng George, và hãy có những thay đổi cần thiết để lực lượng thực thi pháp luật trở thành một giải pháp chứ không phải là vấn đề", ông Floyd tiếp.
Nghẹn ngào nước mắt khi nhắc lại việc em trai đã vẫn tiếp tục gọi những viên cảnh sát đang túm giữ mình là "sir" (quý ngài), ông Philonise Floyd nhắc tới chi tiết tờ bạc giả 20 USD được nêu là lý do để cảnh sát được gọi tới.
"Tôi xin hỏi quý vị, đó có phải cái giá cho sinh mạng của một người da đen không?", ông nói. "Hai mươi đô la? Giờ đã là năm 2020. Quá đủ rồi", ông tiếp.
Ông Philonise Floyd yêu cầu các nghị sĩ hãy làm sao đó để "đảm bảo rằng em trai ông không phải chỉ là một gương mặt khác xuất hiện trên chiếc áo thun (của phong trào Black Lives Matter), và cũng không phải chỉ là một cái tên khác thêm vào danh sách sẽ không dừng lại".
Phiên điều trần tại Hạ viện tập trung bàn thảo về dự thảo thay đổi luật do các dân biểu Đảng Dân chủ đề xuất nhằm ngăn chặn bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc, đặc biệt với cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở Mỹ.
Nổ súng tại Mỹ trong tiệc sinh nhật khiến nhiều người thương vong
Tại Washington, một vụ nổ súng xảy ra vào đêm 9/6 theo giờ địa phương tại buổi tiệc sinh nhật của một trẻ nhỏ ở thành phố Vallejo, phía Bắc bang California, Mỹ, đã khiến 2 nạn nhân nữ thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Trên tài khoản Twitter sáng 10/6, Sở cảnh sát Vallejo cho hay: "Tổng cộng có 5 người bị bắn, trong đó có 4 người lớn và 1 trẻ em, 2 nạn nhân nữ đã thiệt mạng."
Theo thông tin từ phía cảnh sát, các tay súng đã bước ra từ một chiếc xe hơi và bắn vào các nạn nhân khi họ đang dự tiệc sinh nhật, và đây là một vụ nổ súng có chủ đích.
3 nạn nhân bị thương không nguy hiểm đến tính mạng gồm 1 người đàn ông, 1 phụ nữ và 1 trẻ em 10 tuổi.
Bất lợi của Trump và cục diện khó đoán trong cuộc đua bầu cử Mỹ 2020
Một nghiên cứu mới đây dựa trên khảo sát hàng trăm người biểu tình ở các thành phố của Mỹ cho thấy gần như tất cả những người được hỏi đều phản đối Tổng thống Trump trong khi ủng hộ mạnh mẽ cựu Phó tổng thống Joe Biden.
Các nghiên cứu mới cũng cho thấy phong trào biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát đối với người Mỹ da đen đang trở thành một phong trào phản đối Trump. Trong khi đó, phần lớn những người tham gia vào các cuộc biểu tình hiện nay lại chính là những người người da trắng.
“Tôi chưa từng có một câu hỏi khảo sát nào mà tất cả những người phản hồi đều trả lời theo cùng 1 cách”, Dana Fisher, nhà xã hội học của Đại học Maryland nói với Insider. Fisher tiến hành nghiên cứu cùng với nhà khoa học chính trị Michael Heaney thuộc Đại học Michigan.
Những người tham gia khảo sát (255 người) được hỏi họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ông Trump hay không ai cả. Điều bất ngờ là tất cả đều trả lời họ sẽ bỏ phiếu cho Biden - ứng viên của đảng Dân chủ.
Những người tham gia khảo sát đều là những người trên đường phố, có thể không phải là cử tri đã đăng ký, nhưng kết quả vẫn gây bất ngờ khi không ai đề cập tới ứng cử viên thuộc đảng thứ 3 hoặc nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho ai trong số 2 người.
“Trong số những người phản hồi câu hỏi này, 100% nói rằng họ sẽ ủng hộ Joe Biden trong cuộc bầu cử. Không ai trả lời họ sẽ ủng hộ Trump hay lựa chọn không bỏ phiếu” các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu của Fisher và Heaney cho thấy động lực để người dân Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình hiện nay là vì vấn đề liên quan đến bạo lực cảnh sát, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nhiều người được cũng nói rằng, ông Trump cũng chính là một lý do.
Ở Washington cuối tuần qua, có tới 45% số người được hỏi đã viện dẫn ông Trump là yếu tố khiến họ xuống đường biểu tình.
Tổng thống Trump vốn có giọng điệu tiêu cực về những người biểu tình thậm chí từ trước khi ông đắc cử năm 2016. Dù các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát gần đây phần lớn là hòa bình, nhưng ông Trump vẫn tập trung chủ yếu vào các trường hợp bạo bực, bạo động và trộm cướp.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy đông đảo người Mỹ da trắng cho rằng phân biệt chủng tộc đang trở thành “vấn đề lớn” ở nước Mỹ.
Trong khi đó, phần lớn những người tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp cả nước là người da trắng. Ở thủ đô Washington DC cuối tuần trước, 65% số người phản hồi khảo sát là người da trắng. Tương tự, tỷ lệ này ở thành phố New York là 61% trong khi ở Los Angeles là 53%.
LÂM HOÀNG (t/h)