(LSVN) - Mặc dù cả hai bên đều tuyên bố sẽ nỗ lực để thu hẹp bất đồng, tiến tới việc đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, nhưng nguy cơ về kịch bản không thỏa thuận vẫn hiện hữu.
Anh và Liên minh Châu Âu (EU) vừa tái khởi động cuộc đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong bối cảnh chỉ còn 5 tuần nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh đã chính thức rời EU hồi đầu năm nay.
Tại cuộc đàm phán quan trọng này, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier và trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost thảo luận việc đảm bảo đạt được một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh với EU kết thúc vào ngày 31/12 tới. Cả hai bên đang kêu gọi đối phương thỏa hiệp về 3 vấn đề bất đồng chính gồm đánh bắt cá, các quy định về việc chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh và cách giải quyết mọi tranh chấp trong tương lai.
Tiến triển của tiến trình đàm phán
Ở thời điểm này, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra trực tiếp tại thủ đô London của Anh. Trong tối 29/11, phát biểu ngắn gọn với báo chí sau các phiên đàm phán đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier cho biết mọi việc đang tiến triển và hai bên đang tập trung tối đa để tháo gỡ các bế tắc.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng tuyên bố rằng hiện chỉ còn lại 2 vấn đề bất đồng lớn giữa hai bên, trong đó đặc biệt phức tạp là lĩnh vực nghề cá và đây là thời điểm quyết định, buộc hai bên phải có những nhận thức thực tế nhất, đồng thời phải có những nhượng bộ nhất định.
Nhìn chung, các nguồn tin từ giới ngoại giao cũng như giới quan sát tại châu Âu cho rằng hiện các đàm phán đã thống nhất được khoảng 95% nội dung và ngay cả các vấn đề gây trở ngại như nghề cá cũng đã có giải pháp được đưa ra. Vấn đề là hai bên sẽ thống nhất chọn giải pháp nào và cơ chế nào để thực hiện.
Ví dụ, trong vấn đề cạnh tranh thương mại công bằng, EU muốn Anh phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện tương đương với EU về môi trường, lao động, trợ cấp nhà nước… Phía EU đã đề xuất điều khoản “ratchet clause”, hiểu nôm na là chỉ tiến-không lùi, theo đó mỗi khi một bên EU hoặc Anh nâng các tiêu chuẩn của mình lên thì bên kia cũng phải nâng tiêu chuẩn lên theo tương ứng, nếu không sẽ bị trừng phạt.
EU cũng đề xuất lập một hội đồng độc lập để đánh giá liệu có một bên từ chối việc nâng tiêu chuẩn để hưởng lợi thế cạnh tranh hay không. Phía Anh còn đang cân nhắc về các đề xuất này, dù về nguyên tắc đã cam kết với phía EU trong “Tuyên bố chính trị” rằng sẽ cùng EU nâng cao các tiêu chuẩn.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là trong vấn đề nghề cá, phía Anh muốn giành lại đến 80% lượng đánh bắt cá trong vùng biển của mình, trong khi phía EU chỉ đưa ra đề xuất trao lại cho Anh 15-18% sản lượng hàng năm.
Nguy cơ về kịch bản không thỏa thuận vẫn hiện hữu
Trước khi đặt chân đến London sáng thứ Bảy tuần trước, ngày 28/11, ông Michel Barnier đã có buổi điều trần trước Nghị viện Châu Âu cũng như đã thông báo với các lãnh đạo chủ chốt của EU rằng đoàn đàm phán của ông sẽ cần ít nhất 4 ngày đàm phán với phía Anh để đưa ra quyết định có đáng để kéo dài các đàm phán nữa hay không. Vì thế, trong ngày 30/11 hoặc 1/12, khả năng có được thỏa thuận hậu Brexit hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Nhìn chung, giới quan sát tại Châu Âu nhận định rằng hai bên đã tiến rất gần đến một thỏa thuận và phần còn lại là cuộc chiến cân não để xem bên nào chịu nhượng bộ nhiều hơn. Hai bên cũng đã chuẩn bị sẵn Tuyên bố chính trị. Ngoài ra, một chi tiết đáng chú ý khác trong ngày 29/11, báo chí Anh đưa tin đang có một làn sóng phản đối trong nội bộ Công đảng đối lập tại Anh trước việc lãnh đạo đảng này là Keir Starmer có thể đưa ra chỉ thị buộc các nghị sĩ Công đảng bỏ phiếu ủng hộ một thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU ngay trong tuần này. Vì thế, EU và Anh có thể sẽ đạt được thỏa thuận ngay trong tuần này, dù khả năng không quá cao.
Tuy nhiên, trong tuyên bố sáng 29/11, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng đã để lại một đường lùi khi nhận định rằng, kể cả khi Anh và EU không đạt được thỏa thuận trong tuần này thì các đàm phán đang diễn ra cũng có thể mang lại những tiến triển quan trọng mang tính quyết định. Vào thời điểm này, cả Anh và EU đều đang rất thận trọng.
Đôi bên đều thiệt nếu không đạt thỏa thuận kịp thời hạn
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, ông Andrew Bailey đưa ra nhận định rằng nếu Brexit diễn ra sau ngày 31/12 tới mà không có thỏa thuận thì thiệt hại đối với nền kinh tế Anh còn nghiêm trọng hơn những gì mà đại dịch Covid-19 gây ra. Trước mắt, nếu sau ngày 31/12 tới mà không có thỏa thuận nào quy định mối quan hệ mới giữa Anh và EU, các trao đổi thương mại qua biên giới giữa hai bên sẽ bị ách tắc nghiêm trọng, do các thủ tục hải quan và kiểm dịch thực phẩm sẽ trở nên rất phức tạp.
Đó là về ngắn hạn, về dài hạn Trường Kinh tế London cũng đưa ra nghiên cứu đánh giá việc không có thỏa thuận giữa Anh và EU có thể gây thiệt hại gấp 2-3 lần cho kinh tế Anh so với đại dịch Covid-19, với tính toán Vương quốc Anh có thể giảm 8% GDP trong một thập kỷ tới so với châu Âu.
Tất nhiên, EU cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại khi thiếu hụt các trao đổi thương mại với Anh và các ngư dân châu Âu không còn được đánh bắt cá trong các vùng biển giàu trữ lượng hải sản của Anh. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn với EU sẽ là viễn cảnh Vương quốc Anh trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay cửa ngõ châu Âu, với các tiêu chuẩn thương mại, môi trường, trợ cấp nhà nước… thấp hơn EU. Về mặt chính trị và an ninh, việc không có thỏa thuận cũng sẽ gây tổn hại cho cả Anh và EU, trong bối cảnh tình hình thế giới đang ngày càng phức tạp. Do đó, kịch bản Brexit không thỏa thuận không có lợi cho bất cứ bên nào.
QUANG DŨNG/VOV