Ảnh minh họa.
Theo Nghị định số 93/2024/NĐ-CP, nguyên tắc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố gồm:
Bảo đảm đúng điều kiện, thời hạn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hình thức theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bảo đảm kịp thời, hiệu quả, chính xác, khách quan, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thông tin về tên của tổ chức, cá nhân và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân bị xem xét đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được lưu giữ theo chế độ mật cho tới khi cơ quan, người có thẩm quyền thông báo cho tổ chức, cá nhân bị đưa vào danh sách, đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố và công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Việc trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố quy định tại Nghị định này được thực hiện trên nguyên tắc không chậm trễ và không thông báo trước.
Tiêu chí, quy trình, thủ tục, biểu mẫu tiêu chuẩn được sử dụng để xác lập, đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan khủng bố, tài trợ khủng bố tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua trên cơ sở Chương VII Hiến chương của Liên hợp quốc và pháp luật về phòng, chống khủng bố của Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tiền, tài sản, quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình được tôn trọng và bảo vệ. Trình tự, thủ tục xử lý đối với tiền, tài sản của bên thứ ba ngay tình được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 93/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 122/2013/NĐ-CP về thẩm quyền tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố như sau:
Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; trả lại tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố trong trường hợp tiền, tài sản đó thuộc quyền sở hữu, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật nhằm cung cấp, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; hủy bỏ các quyết định do mình ban hành hoặc các quyết định do người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này ban hành.
Trong phạm vi các mục tiêu, địa bàn do Bộ Quốc phòng quản lý, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quyết định tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; trả lại tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố trong trường hợp tiền, tài sản đó thuộc quyền sở hữu, quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật nhằm cung cấp, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; hủy bỏ các quyết định do mình ban hành hoặc các quyết định do người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này ban hành.
Người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh) có thẩm quyền yêu cầu thực hiện trì hoãn giao dịch, quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được quy định tại Nghị định này; xem xét việc cho phép tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiếp cận, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ để sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình và thanh toán cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó không có tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế khác.
Trong phạm vi các mục tiêu, địa bàn do Bộ Quốc phòng quản lý, người đứng đầu Cơ quan phòng, chống khủng bố Bộ Quốc phòng có thẩm quyền yêu cầu thực hiện trì hoãn giao dịch, quyết định tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được quy định tại Nghị định này; xem xét, cho phép tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ tiếp cận, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình và thanh toán cho các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó không có tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế khác.
MẠNH NGUYỄN
Đề xuất danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kê khai giá