/ Tin tức
/ Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 giật cấp 11

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 giật cấp 11

18/10/2023 15:53 |

(LSVN) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trưa 18/10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Quảng Trị - Quảng Nam đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5.

Hồi 11 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 270km về phía Tây Tây Bắc, cách đất liền khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/giờ), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.

Dự báo đến 10 giờ ngày 19/10, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/giờ, và có khả năng mạnh thêm, vị trí bão tại 19,1N-108,1E; trên vùng biển phía Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh  cấp 8-9, giật cấp 12, vùng nguy hiểm15,0-21,0N; phía Tây kinh tuyến 111,5E; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam.

Đến 10 giờ ngày 20/10, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, tốc độ khoảng 5km/giờ, vị trí bão tại 20,2N-107,5E; trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 11, vùng nguy hiểm ở phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; phía Tây kinh tuyến 110,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế.

Khoảng 10 giờ ngày 21/10, bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, vị trí bão tại 19,2N-107,1E; trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão mạnh cấp 6, giật cấp 8, vùng nguy hiểm là phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; phía Tây kinh tuyến 110,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là Vịnh Bắc Bộ.

Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Nam Tây Nam và suy yếu thêm.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 973/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão và mưa lũ.

Công điện nêu rõ, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 20/10/2023, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của tổ hợp các hình thái thời tiết xấu, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi vùng biển Trung Trung Bộ có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định, sau đó có thể ảnh hưởng đến khu vực Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập sâu trở lại tại các khu vực thấp trũng, ven sông suối và đô thị miền Trung, nhất là từ Quảng Bình đến Quảng Nam, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không được để xảy ra thiệt hại về người do lơ là, chủ quan, bị động, bất ngờ trong chỉ đạo, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, nhất là mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là những người yếu thế, học sinh.

Cụ thể, tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển và tại nơi tránh trú. 

Tiếp tục rà soát, kiên quyết tổ chức sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là các hộ dân tại khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. 

Chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ gây chia cắt kéo dài nhiều ngày; chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng bị ngập lũ, vùng có nguy cơ bị chia cắt kéo dài; kịp thời tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn, hộ có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ phải sơ tán, hộ ở nơi bị ngập sâu, không được để người dân bị đói, rét. 

Chỉ đạo bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. 

Chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.

Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị chết, mất tích; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất ngay sau thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với địa phương theo dõi sát tình hình thiên tai, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập nhằm đảm bảo điều kiện cho học sinh trở lại trường học ngay sau khi lũ rút. 

HÀ ANH

Bùi Thị Thanh Loan