(LSO) – Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực trị giá 50 triệu USD sẽ góp phần tăng cường quan hệ và tiếp tục các liên kết hữu nghị giữa ASEAN và Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm.
Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi và Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại ASEAN Ryan Washburn vừa ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực (RDCA).
Lễ ký kết diễn ra vào ngày 10/9 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Mỹ, đánh dấu thêm một dấu mốc quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác phát triển ASEAN-Mỹ.
Thỏa thuận này sẽ khuyến khích các hệ thống dựa trên luật định nhằm ủng hộ việc duy trì một ASEAN hòa bình, an ninh và thịnh vượng, phù hợp với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2021-2025 và Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ.
RDCA cũng sẽ góp phần tăng cường quan hệ và tiếp tục các liên kết hữu nghị giữa ASEAN và Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm.
Phát biểu tại lễ ký, Tổng thư ký Dato Lim Jock Hoi khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một trong những đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN trong các nỗ lực xây dựng Cộng đồng. ASEAN mong muốn RDCA hỗ trợ các dự án và chương trình nhằm ứng phó với những thách thức hiện tại và mới nổi trong khu vực.
Nhân dịp này, Tổng thư ký ASEAN cũng cảm ơn Chính phủ Mỹ, thông qua USAID và Phái đoàn Mỹ tại ASEAN, vì đã hỗ trợ các sáng kiến đang triển khai thực hiện cũng như các chương trình sắp tới trong khuôn khổ RDCA.
Về phần mình, đại diện USAID tại ASEAN Ryan Washburn cho rằng thỏa thuận mới kéo dài 5 năm giữa USAID và ASEAN với trị giá lên tới 50 triệu USD này nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với sự phát triển khu vực, vai trò trung tâm của ASEAN, các mục tiêu chung về hội nhập khu vực và quản trị dựa trên luật định nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong ASEAN.
RDCA sẽ đóng vai trò như một khuôn khổ bảo trợ cho tất cả các chương trình hợp tác ASEAN-Mỹ đang và sẽ được thực hiện nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực như đại dịch Covid-19, nạn buôn người và lao động cưỡng bức, tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số và phối hợp ứng phó với thiên tai.
LÊ HÙNG(t/h)