Nạn lừa đảo bằng các tin nhắn gửi tới điện thoại hiện đang rất phổ biến tại Australia, khiến người dân nước này thiệt hại rất nhiều tiền mỗi năm. Để làm giảm tình trạng này, hôm nay (23/4), Australia cho biết sẽ bắt đầu cho phép một số cơ quan đăng ký nhận dạng tin nhắn.
Bộ trưởng Truyền thông Australia Michelle Rowland cho biết, sắp tới, Australia sẽ cho phép các cơ quan, tổ chức đăng ký nhận dạng tin nhắn để các đối tượng phạm tội không còn giả mạo danh tính của một số cơ quan, tổ chức để gửi các tin nhắn kèm theo mã độc nhằm đánh cắp thông tin để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Australia sẽ cho phép một số cơ quan tổ chức đăng ký nhận dạng tin nhắn để làm giảm các tin nhắn lừa đảo. Ảnh: ISTOCK.
Bộ trưởng Michelle Rowland cho biết, đây là nỗ lực của chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese, trong việc ngăn chặn và làm giảm các tin nhắn lừa đảo gửi tới người dân. Chính phủ Australia dự kiến sẽ chi 10 triệu AUD trong vòng 12 tháng để thực hiện kế hoạch này.
Tuyên bố của Bộ trưởng Truyền thông Australia đưa ra trong bối cảnh cơ quan chức năng của nước này vừa ra thông báo cho biết, trong năm ngoái, người dân nước này thiệt hại tới 3,1 tỉ AUD do các hoạt động lừa đảo qua mạng, trong đó có việc lừa đảo bằng cách nhắn tin kèm theo các mã độc đến điện thoại của từng người.
Trên thực tế, tại Australia, người dùng điện thoại thường xuyên nhận được các tin nhắn mạo danh một số cơ quan, tổ chức có uy tín như ngân hàng, cơ quan thuế, bưu điện hay của các cơ quan dịch vụ công. Các tin nhắn này thường kèm theo các kết nối có chứa các mã độc, khi người đọc tin nhắn bấm vào các kết nối này thì mã độc sẽ xâm nhập vào điện thoại và đánh cắp các thông tin cá nhân. Các thông tin này sau đó sẽ được các đối tượng phạm tội sẽ sử dụng để tiếp cận nạn nhân và tiến hành các hành vi lừa đảo.
Bộ trưởng Michelle Rowland cũng cho biết, kể từ tháng 7/2022, Trung tâm Chống lừa đảo quốc gia đã chặn được 90 triệu tin nhắn lừa đảo. Tuy vậy, số lượng tin nhắn lừa đảo mà người dân nước này nhận được vẫn rất nhiều, vì vậy Australia sẽ cho phép các cơ quan, tổ chức đăng ký nhận dạng tin nhắn để làm giảm bớt các tin nhắn lừa đảo.
Trước Australia, một số quốc gia như Anh, Ireland, Tây Ban Nha và gần đây là Singapore cũng đã cho phép các cơ quan của nhà nước, ngân hàng và một số tổ chức đăng ký nhận dạng tin nhắn, nhằm làm giảm số lượng các tin nhắn giả mạo các tổ chức này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.
VIỆT NGA/VOV
Mỹ: Khởi động tiến trình tố tụng vụ kiện bạc tỉ vì đưa tin sai sự thật