Ngày 07/11, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết Chính phủ nước này sẽ đề xuất luật cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi, nhấn mạnh đây là chính sách hàng đầu thế giới, đồng thời tuyên bố sẽ trừng phạt những công ty công nghệ không bảo vệ người dùng dễ bị tổn thương.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Albanese cho rằng mạng xã hội đang gây hại cho trẻ em và kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Lệnh cấm sẽ không cho phép bất cứ ngoại lệ nào, kể cả đối với những người có sự đồng ý của cha mẹ.
Ông Albanese khẳng định trách nhiệm thực thi luật này không thuộc về cha mẹ hay trẻ em, mà thuộc về các nền tảng mạng xã hội. Các công ty cung cấp dịch vụ sẽ phải thực hiện những biện pháp cần thiết để ngăn chặn quyền truy cập của trẻ em trong độ tuổi bị cấm.
Bộ trưởng Truyền thông Australia, bà Michelle Rowland nêu rõ các nền tảng mạng xã hội bị ảnh hưởng sẽ bao gồm Instagram, Facebook, TikTok và X.
Ngoài ra, dịch vụ chia sẻ video YouTube của Alphabet cũng có khả năng nằm trong diện áp dụng, nhưng sẽ nhận được một số quyền miễn trừ do nền tảng này là công cụ cần thiết để trẻ em sử dụng cho công việc học tập.
Các công ty bị ảnh hưởng hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trước đó, các nhà lập pháp đã thể hiện sự ủng hộ rộng rãi khi Chính phủ Australia lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội. Dự luật sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối tháng 11 năm nay, dự kiến có hiệu lực sau 12 tháng kể từ khi được thông qua.
Thời gian qua, một số quốc gia đã tuyên bố sẽ sử dụng luật pháp để hạn chế trẻ em sử dụng mạng xã hội và Australia là một trong những nước có chính sách nghiêm ngặt nhất.
Năm ngoái, Pháp cũng đã đề xuất lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng người dùng có thể tránh lệnh cấm này nếu có sự đồng ý của cha mẹ.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã yêu cầu các công ty công nghệ phải có sự đồng ý của cha mẹ để tiếp cận dữ liệu của trẻ em dưới 13 tuổi, dẫn đến việc hầu hết các nền tảng mạng xã hội cấm người dùng dưới độ tuổi này.