Kỹ sư Công nghệ Thủy sản - Doanh nhân Đồng Thị Minh Thanh.
Là gái út trong một gia đình có 5 người con, năm Thanh lên 8 tuổi, bố em qua đời do bạo bệnh. Từ đó, mẹ em phải xoay xở khuya sớm để nuôi đàn con ăn học. Nào ngờ, chỉ mấy năm sau, mẹ em cũng ra đi vì căn bệnh nan y. Tới lúc hai chị gái xây dựng gia đình, ngôi nhà nhỏ của họ chỉ còn lại 3 chị em Thanh tá túc, đèn sách. Tuy nhiên, trước gánh nặng khó khăn, người chị thứ ba đành gác lại chuyện học hành, tập buôn bán nuôi các em.
Khi anh trai lập nghiệp ngoài Bắc, chị gái bịn rịn bước chân về nhà chồng, Thanh sống một mình, cậy nhờ cô bác quyết tâm học, hy vọng sau này bớt đi cực khổ. Em vừa thông minh và chăm học, nên được các thầy, cô giáo rất quý mến. Năm 1995, khi em đang học lớp 6 do cô giáo Ngô Thị Thanh Thủy, người cùng xã làm chủ nhiệm. Bằng tình cảm của nhà giáo trước một học sinh có hoàn cảnh kém may mắn, cô đã nhận em làm con nuôi. Từ đó, Thanh có thêm một tổ ấm, em hạnh phúc coi đây là một sự may mắn trong đời mình.
Một góc phân xưởng chế biến sản phẩm mứt rong biển Thanh Thanh.
Đáp lại công ơn người đã cưu mang, Thanh phấn đấu đạt học sinh giỏi và tốt nghiệp Trung học vào loại khá. Theo khuyến khích của bố nuôi, một kỹ sư khai thác thủy sản nghỉ hưu, em thi đỗ vào Khoa Công nghệ chế biến, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Ra trường, Thanh công tác tại Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Ít lâu sau, em xây dựng gia đình với một kỹ sư khoa Công nghệ thông tin học cùng trường, công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận. Hiện vợ chồng cô đều là đảng viên, sinh hoạt tại Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh.
Bằng kiến thức đã học và kinh nghiệm trong quá trình hướng dẫn bà con trồng rong trên biển, Đồng Thị Minh Thanh đã nghiên cứu nguồn nguyên liệu tại địa phương. Vùng đất nắng gió này đã sinh trưởng nhiều loài rong tảo, thảo mộc đặc trưng, khuyến khích cô mở cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản sấy, phần lớn là mứt rong biển sấy dẻo. Đây là ý tưởng tạo đầu ra cho nguồn nguyên liệu, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Sản phẩm Mứt rong biển sấy dẻo Thanh Thanh.
Từ tay không đi lên là quá trình đầy thử thách, cô đã dành thời gian tìm hiểu nhiều cơ sở có thương hiệu trong và ngoài tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài để học hỏi. Nắm chắc tự tin, vợ chồng cô mạnh dạn vay vốn đầu tư, mua sắm máy móc. Sự cân nhắc trong lựa chọn thiết bị, đã giúp cô cho ra những sản phẩm chất lượng cao, giữ được hương vị, các vitamin và khoáng chất có trong nguyên liệu. Kết hợp màu sắc tự nhiên từ hoa, lá, củ, quả, sản phẩm có tác dụng chống lão hóa, hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng, bướu cổ, tăng khả năng nhuận trường, bồi bổ sụn khớp, thải độc tố cho cơ thể,… Mứt rong biển gồm có mứt thỏi, mứt sợi, được tẩm các hương vị tự nhiên như: Mật nho, nước cốt chanh dây, nước gừng tươi, lá dứa, lá cẩm,… Mứt trái cây gồm mứt táo, nho, xoài, dứa, cóc, chuối, măng, đu đủ,… tất cả đều chế biến trên thiết bị hiện đại nên được khách hàng tin dùng.
Hiện, nông sản sấy Thanh Thanh đã được cấp Giấy chứng nhận “Đặc sản Ninh Thuận”. Không chỉ tiêu thụ nội địa, sản phẩm của cơ sở còn được các công ty nước ngoài xuất khẩu qua các nước thị trường của họ.
Toàn cảnh cơ sở chế biến Nông sản sấy Thanh Thanh.
Trải qua gian nan, vất vả, nay cơ sở đã ổn định, tạo việc làm cho hàng chục công nhân, cùng hàng trăm hộ trồng rong, trồng rau, củ, quả… Đó là niềm hạnh phúc đối với một người trẻ, từng vượt qua nhiều thiếu thốn, khó khăn để đi lên. Cô cho biết, những năm qua do cơ sở vật chất và máy móc còn hạn chế, nên chỉ mới tiêu thụ giúp bà con trồng rong từ 400-500 tấn rong tươi mỗi năm. Với cố gắng mở rộng đầu ra, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập tốt hơn.
Đầu năm 2021, cô đã đầu tư tăng diện tích nhà xưởng, phấn đấu nâng mức tiêu thụ rong biển lên gấp đôi, từ 800-1000 tấn/năm. Cũng từ đây, Thanh Thanh đã đăng ký thương hiệu, được Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trao Quyết định công nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” năm 2021 và được đánh giá cao tại cuộc thi “Sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Thuận”. Coi sự hài lòng của người tiêu dùng là cơ sở để tồn tại và phát triển, Thanh Thanh lấy việc phục vụ sức khỏe khách hàng làm mục tiêu, đồng thời chú trọng cải thiện mẫu mã, bao bì để sản phẩm không chỉ là thực phẩm có giá trị, mà còn là món quà tặng sang trọng, ý nghĩa.
Đi lên từ gian khó mới thấy hết giá trị của sự phấn đấu, cô đã vượt qua những ngày đầy gian nan của tuổi học trò, của thời sinh viên để học tập tốt, vận dụng hiệu quả kỹ năng vào cuộc sống, làm tốt công tác chuyên môn của Trung tâm Khuyến Nông tỉnh, đó là kiểm soát các loại dịch bệnh trên tôm nuôi. Với việc mở rộng cơ sở Thanh Thanh, cô đã khuyến khích bà con nông dân tích cực trồng rong và các loại củ, quả, tiêu thụ hỗ trợ họ mỗi năm hàng nghìn tấn nguyên liệu, giúp nhiều hộ thoát nghèo, đi lên khá giả. Minh Thanh được mọi người quý mến, nhiều người còn gọi cô là “bà đỡ” cho người trồng rong.
Đồng Thị Minh Thanh (người đứng giữa) trong buổi Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Tạm biệt Ninh Thuận, chúng tôi nhớ mãi chia sẻ của cô: “Tụi con đang dự tính mở thêm cơ sở ở một số địa phương, trong đó có quê hương Quảng Bình, giúp bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, nhưng hiện tại dịch Covid-19 còn chưa cho phép chúng con thực hiện ý định ấy!”. Chắc chắn, với một người như Minh Thanh, sau khi nước ta kiểm soát tốt đại dịch, việc thực hiện ý định trên quả không mấy khó khăn.
NGUYỄN TIẾN NÊN
Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm 961.000 liều vaccine Covid-19 trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9