Biểu tượng Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ở Gelsenkirchen, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN.
Cụ thể, Vacsava sẽ tiếp quản cổ phần của công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-Europe, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan. Trên thực tế, Gazprom đã có 48% cổ phần của EuRoPol Gaz, trong khi 48% khác thuộc sở hữu của công ty PGNiG của Ba Lan, còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của tập đoàn PKN Orlen.
Bộ trưởng Bộ Phát triển và Công nghệ Waldermar Buda cho biết quyết định về việc tiếp quản tài sản của Gazprom tại Ba Lan được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan an ninh nội địa Ba Lan.
Trong một diễn biến tương tự, ngay sau quyết định của Ba Lan, Chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty bảo đảm năng lượng châu Âu (Sefe), còn gọi là công ty Gazprom Germania. Theo Bộ Kinh tế Đức, việc quốc hữu hóa Sefe là do Berlin lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể "đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức".
Gazprom Germania được đánh giá là công ty đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung khí đốt của Đức đến mức "không được phá sản trong bất kỳ tình huống nào". Công ty này hiện chiếm khoảng 20% thị phần khí đốt tại Đức và theo kế hoạch sẽ được chính phủ liên bang Đức tiếp quản hoàn toàn.
Hồi tháng 9/2022, Ba Lan đã áp đạt các biện pháp trừng phạt đối với Gazprom và thông báo rằng tài sản của công ty này sẽ bị đóng băng. Trước đó vào tháng 4, Vacsava đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, trong đó có Gazprom. Để đáp trả, Nga đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan do Vacsava từ chối thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva.
NGỌC LONG/TTXVN