/ Pháp luật - Đời sống
/ Bàn về các quy định liên quan đến đấu giá biển số xe ô tô

Bàn về các quy định liên quan đến đấu giá biển số xe ô tô

24/11/2023 19:43 |

(LSVN) – Đấu giá biển số xe là thủ tục mới, quy định mới, đang trong quá trình thí điểm. Do vậy, việc đưa vào áp dụng sẽ có thể gặp phải những vấn đề bất cập. Quá trình thực hiện sẽ từng bước rút kinh nghiệm để tăng cường các biện pháp quản lý, cần thiết có thể bổ sung, sửa đổi các quy định hiện nay cho phù hợp, hướng đến đảm bảo mục tiêu, hiệu quả trong thủ tục tổ chức đấu giá biển số xe.


Ảnh minh họa.

Hiện nay, đấu giá biển số xe ô tô là hoạt động thí điểm tại Việt Nam trên cơ sở Nghị định 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật lần đầu tiên được ban hành và thí điểm áp dụng, tuy nhiên nội dung các văn bản này hiện nay là tương đối chặt chẽ, nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng việc tham gia đấu giá biển số xe để trục lợi, ảnh hưởng đến công tác quản lý và gây nhiễu loạn trong xã hội.

Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ đã có hiệu lực và đã được tổ chức thi hành, nhiều người đã tham gia đấu giá biển số xe, nhiều người đã trúng giá và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Điều đáng chú ý là ngay sau khi Nghị định này có hiệu lực pháp luật và được tổ chức thi hành thì kết quả đấu giá biển số xe ô tô cho thấy có một số người trúng giá ở mức cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm, nhiều người lo ngại rằng đây là giá ảo, người mua sẽ bỏ cọc hoặc sẽ tìm cách thổi giá để tạo mặt bằng thị trường biển số xe đẹp nhằm trục lợi.

Về nguyên tắc là người tham gia đấu giá biển số xe phải đặt trước một khoản tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi chúng đấu giá. Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 39/2023/NĐ-CP thì tiền đặt trước tham gia đấu giá được quy định như sau: Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 03 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Việc xử lý tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản. Bộ Công an gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá; thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô thay thế hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc hợp đồng bán tài sản nhà nước.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.

Điều 19 Nghị định 39/2023/NĐ-CP cũng quy định trường hợp hủy kết quả đấu giá, thông báo kết quả đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá và người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá như sau: Kết quả đấu giá bị hủy trong các trường hợp quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá được coi như không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Thông báo kết quả trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá bị huỷ trong các trường hợp sau: Người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại Điều 16 Nghị định này, người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 73/2022/QH15. Người trúng đấu giá vi phạm về tính trung thực của hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.

Biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu người trả giá cao, được xác định là người trúng đấu giá, đã nhận được thông báo của cơ quan chức năng về kết quả trúng đấu giá biển số xe ô tô. Thông báo này được gửi vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá mà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả, người trúng đấu giá không nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá khi đã trừ số tiền vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng nhà nước thì coi như từ bỏ kết quả trúng đấu giá và người này sẽ bị mất toàn bộ số tiền cọc đã nộp.

Việc những người trúng đấu giá biển số xe ô tô với giá "trên trời" như vậy có nhu cầu thực sự hay không, có nghiêm túc thực hiện cam kết hay không thì phải chờ 15 ngày sau ngày có kết quả trúng đấu giá thì mới có thể xác định được. Trường hợp đã nhận được thông báo về kết quả trúng giá mà trong thời hạn 15 ngày, người trúng đấu giá biển số xe không nộp tiền thì coi như từ bỏ kết quả trúng đấu giá, nhà nước sẽ thu giữ số tiền đặt cọc nộp vào ngân sách nhà nước và tiếp tục tổ chức đấu giá lại đối với biển số xe đó cho đến khi có người trúng giá nộp tiền, xác lập quyền sở hữu đối với biển số xe đó theo quy định pháp luật.

Quy định này phù hợp với quy định pháp luật về đấu giá tài sản và khá kín kẽ của văn bản pháp luật này để đảm bảo cho những người không có khả năng, không có nhu cầu thực sự nhưng trả giá cao thì sẽ mất tiền đặt cọc, biển số xe đó vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức đấu giá cho những người có nhu cầu thực sự.

Điều 20 Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định biển số xe ô tô trúng đấu giá chỉ được cấp cho người trúng đấu giá. Thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký xe. Nghị định này cũng quy định trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá mà phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì người trúng đấu giá phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử qua Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người trúng đấu giá phải gửi giấy tờ chứng minh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy tờ chứng minh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của người trúng đấu giá, Bộ Công an xem xét, giải quyết và thông báo kết quả gia hạn cho người trúng đấu giá bằng văn bản điện tử.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 6, Nghị Quyết 72 của Quốc hội thì người trúng giá biển số xe: "Không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá".

Biển số xe trúng đấu giá khác với biển số xe thông thường là biển số xe này có thể được chuyển giao cho người nhận chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế kèm theo chiếc xe ô tô đó mà không được định đoạt riêng lẻ biển số xe.

Người nào muốn chuyển nhượng, bán, tặng cho trước biển số xe thì phải kèm theo chiếc xe đã được gắn biển số trúng đấu giá này. Ngoài ra, Nghị quyết này cũng quy định nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe là phải nộp tiền trong thời hạn 15 ngày để được cấp văn bản xác nhận biển số xe trúng đấu giá và phải gắn biển số cho xe ô tô của mình trong thời hạn tối đa không quá 18 tháng kể từ khi có văn bản xác nhận biển số xe trúng đấu giá, nếu không nộp tiền hoặc không gắn biển số cho xe ô tô của mình thì không được phép định đoạt biển số xe đó.

Quy định pháp luật này nhằm tránh tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá biển số xe ô tô. Không nộp tiền sau khi chúng đấu giá, không gắn biển số xe vào chiếc xe ô tô của mình thì người trúng đấu giá không được phép định đoạt biển số xe kèm theo chiếc xe đó.

Vì vậy, người được thông báo trúng đấu giá biển số xe thông báo bán biển số xe là chưa hợp lệ, không thể thực hiện được thủ tục vào thời điểm này. Mặc dù đây là người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá nhưng với số tiền cọc ít tỏi như vậy thì người trúng đấu giá biển số xe này chưa có quyền bán biển số xe. Nếu có người muốn mua lại biển số xe trúng đấu giá ở thời điểm vừa mới có kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa nộp tiền, chưa gắn biển số vào xe của mình thì thủ tục chỉ là "đặt cọc" để người trúng đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước sau đó mua xe và gắn biển số, sau khi gắn biển số thì mới được phép bán biển số kèm theo chiếc xe ô tô đó.

Nếu người nào cố tình giao dịch với người trúng đấu giá bằng hình thức viết tay giấy tờ mua bán biển số xe (bên bán mới chỉ là người trúng đấu giá và đặt cọc), hoặc thỏa thuận miệng về việc mua bán biển số xe đó, trong khi không nắm được thông tin là người trúng đấu giá đã thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật hay chưa, đã đủ điều kiện để bán, chuyển nhượng hay chưa thì người mua biển số xe này sẽ gặp rủi ro, có thể bị mất tiền, thậm chí bị lừa đảo.

Do đó, người dân khi có ý định mua biển số xe mà không trực tiếp tham gia đấu giá thì phải tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về quyền của người trúng giá biển số xe, về thủ tục mua bán chuyển nhượng xe ô tô kèm theo biển trúng đấu giá để giảm thiểu những rủi ro cho bản thân.

Trường hợp người trúng đấu giá biển số xe với giá cao "ngất ngưởng" mà không tìm được người mua tiếp theo, không thể thu xếp được tiền để nộp vào thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá thì kết quả đấu giá đó sẽ bị hủy bỏ, người đó sẽ bị mất tiền cọc và nhà nước sẽ tổ chức đấu giá lại.

Chưa có chế tài về việc người trúng đấu giá bỏ cọc

Hiện nay chưa có chế tài về việc người trúng đấu giá bỏ cọc, họ chỉ mất số tiền đã đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền. Cũng không cần thiết phải quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền khi trúng đấu giá, bởi bản chất đây là quan hệ dân sự thông qua thủ tục hành chính. Nếu người trúng đấu giá bỏ cuộc thì khi đó họ mất tiền cọc thì cũng không khác gì tiền phạt khi không thực hiện nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều, nhiều người bỏ giá cao để "lướt cọc" trục lợi thì dẫn đến tình trạng thổi giá, giá ảo và các cuộc đấu giá sẽ không thành công, sẽ phải hủy bỏ để tổ chức đấu giá lại nhiều lần... Để giải quyết tình trạng này thì chỉ có cách duy nhất là quy định trách nhiệm ràng buộc đối với những người tham gia đấu giá, trong đó có việc quy định số tiền đặt cọc cao lên, thậm chí có thể nghiên cứu có thể quy định bổ sung số tiền đặt cọc tương ứng với giá mà họ đã trả trong cuộc đấu giá đó.

Đấu giá biển số xe là thủ tục mới, quy định mới, đang trong quá trình thử nghiệm. Do vậy, việc đưa vào áp dụng sẽ có thể gặp phải những vấn đề bất cập. Quá trình thực hiện sẽ từng bước rút kinh nghiệm để tăng cường các biện pháp quản lý, cần thiết có thể bổ sung, sửa đổi các quy định hiện nay cho phù hợp để hướng đến đảm bảo mục tiêu, hiệu quả trong thủ tục tổ chức đấu giá biển số xe.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bùi Thị Thanh Loan