LSVNO - Để vụ án được xem xét, giải quyết một cách toàn diện, triệt để. Để hình phạt được tuyên xử tại các bản án và quyết định trong tố tụng hình sự tuân thủ đúng pháp luật, cần phải áp dụng đúng và đầy đủ các quy định có lợi cho bị can tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn của Quốc hội và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nội dung vụ án
Quỹ tín dụng nhân dân xã Việt Ngọc (Quỹ tín dụng) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động kể từ ngày 01/6/1996; ông Ngụy Ngọc Vệ được giao nhiệm vụ làm Kế toán trưởng từ năm 2000 đến tháng 9/2010.
Ngày 01/6/2009, ông Nguyễn Văn Hoan (là anh vợ của ông Vệ) viết giấy ủy quyền nhờ ông Vệ gửi 57.000.000 đồng tiền tiết kiệm tại Quỹ tín dụng, thời hạn gửi là 06 tháng, lãi suất là 0,7%/tháng. Cùng ngày 01/6/2009 ông Vệ đã gửi số tiền này vào Quỹ tín dụng (sổ tiết kiệm số AB2907495 đứng tên ông Nguyễn Văn Hoan). Toàn bộ hồ sơ gửi tiết kiệm đều do ông Vệ trực tiếp ký tên “Hoan” vì ông Vệ đã có giấy ủy quyền của ông Hoan.
Ngày 31/8/2009, ông Vệ làm thủ tục rút ra số tiền 10.049.200 đồng (bao gồm 10.000.000 đồng tiền gốc và 49.200 đồng tiền lãi). Ngày 19/10/2009, ông Vệ tiếp tục làm thủ tục rút ra số tiền gốc 12.600.000 đồng. Đến ngày 01/12/2009, hết hạn gửi tiền tại sổ tiết kiệm, ông Hoan đã đưa cho ông Vệ sổ tiết kiệm để ông Vệ làm thủ tục tất toán. Sau khi có đầy đủ chữ ký của những người có trách nhiệm, ông Vệ đã đứng ra nhận thay cho ông Hoan tổng số tiền được tất toán là 59.394.000 đồng.
Đến đầu tháng 8/2010, Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng họp và ra nghị quyết chỉ đạo Ban kiểm soát nội bộ tiến hành kiểm tra việc thanh toán tiền vay, tiền gửi của khách hàng tại Quỹ từ thời điểm tháng 7/2010. Ngày 30/8/2010, qua kiểm tra, Ban kiểm soát nội bộ kết luận là ông Ngụy Ngọc Vệ đã chiếm đoạt của Quỹ tổng số tiền 22.649.200 đồng. Ngày 07/9/2010 ông Vệ đã tự giác giao nộp lại số tiền này.
Ngày 24/9/2010, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng đã ban hành Quyết định số 13/QĐ-HĐQT về việc kỷ luật viên chức, xử lý bằng biện pháp hành chính đối với ông Vệ với hình thức “buộc thôi việc” vì đã có hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán thống kê” .
Ngày 28/02/2011, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tân Yên đã ban hành Quyết định số 27-QĐ-UBKT về việc thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Vệ vì đã có hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán để chiếm dụng số tiền 22.649.200 đồng”.
Ngày 16/01/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên ra quyết định khởi tố vụ án số 18 và quyết định khởi tố bị can số 28 đối với ông Ngụy Ngọc Vệ về tội “tham ô tài sản” theo Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999.
Ngày 27/4/2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên ban hành bản cáo trạng số 31/KSĐT truy tố ông Ngụy Ngọc Vệ ra trước Tòa án nhân dân huyện Tân Yên để xét xử về tội “tham ô tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 41/2012/HSST ngày 20/6/2012 của Tòa án nhân dân huyện Tân Yên và bản án hình sự phúc thẩm số 152/2012/HSPT ngày 27/8/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định “Tuyên bố bị cáo Ngụy Ngọc Vệ phạm tội tham ô tài sản. Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 Bộ luật Hình sự, xử phạt Ngụy Ngọc Vệ 05 (năm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án”.
Ngày 07/01/2016, ông Ngụy Ngọc Vệ bị bắt đưa đi chấp hành hình phạt tù giam tại Trại giam Tân Lập thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an (chấp hành hình phạt tù vệ tội tham ô tài sản theo bản án phúc thẩm số 152/2012/HSPT ngày 27/8/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang).
Ngày 20/7/2017, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 175/2017/KN-HS đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm số 41/2012/HSST ngày 20/6/2012 của Tòa án nhân dân huyện Tân Yên và bản án hình sự phúc thẩm số 152/2012/HSPT ngày 27/8/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
Ngày 08/12/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Quyết định giám đốc thẩm số 283/2017/HS-GĐT hủy hai bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, vì đã “định sai tội danh đối với ông Vệ” và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Tân Yên xét xử sơ thẩm lại. Cùng ngày, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Lệnh tạm giam số 01/2017/HSGDT để “tiếp tục tạm giam đối với ông Ngụy Ngọc Vệ kể từ ngày 08/12/2017 cho đến khi Tòa án nhân dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thụ lý lại vụ án”.
Ngày 06/02/2018, Tòa án nhân dân huyện Tân Yên thụ lý hồ sơ vụ án.
Ngày 08/02/2018, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Yên có Quyết định số 01/2018/QĐ-CA về việc hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù đối với ông Vệ.
Ngày 13/02/208, ông Ngụy Ngọc Vệ được Trại giam Tân Lập thả tự do (thời gian ông Vệ chấp hành hình phạt tù, bị tạm giam là từ 07/01/2017 đến 13/02/2018).
Ngày 01/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Tân Yên quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên để điều tra bổ sung (lần 1).
Ngày 15/3/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên có công văn chuyển lại hồ sơ cho Tòa án, giữ nguyên cáo trạng truy tố ông Vệ về tội tham ô tài sản.
Ngày 28/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Tân Yên quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên để điều tra bổ sung (lần 2).
Ngày 11/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên có quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên để điều tra bổ sung.
Ngày 28/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên có quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với ông Vệ từ tội “tham ô tài sản” sang tội “lừa đảo”; kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Vệ về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 03/7/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên có cáo trạng truy tố ông Vệ ra xét xử trước Tòa án nhân dân huyện Tân Yên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HSST ngày 11/9/2018, Tòa án nhân dân huyện Tân Yên đã tuyên xử ông Ngụy Ngọc Vệ hình phạt 03 năm tù giam.
Ảnh minh họa.
Một số ý kiến phân tích và bình luận về vụ án
1. Không có quyết định phân công thẩm phán tiến hành giải quyết, xét xử vụ án hình sự sơ thẩm và không có quyết định phân công thư ký hoặc thẩm tra viên tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự sơ thẩm theo nội dung được quy định tại Điều 132, khoản 2 Điều 276, khoản 3 Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự (Mẫu số 01-HS và 02-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Mặc dù Viện kiểm sát đã 02 lần tiếp nhận lại hồ sơ vụ án (BL 288, 304) do Tòa án trả lại để điều tra bổ sung nhưng vẫn không phát hiện ra vi phạm về không có quyết định tố tụng này.
2. Viện kiểm sát không có văn bản thông báo cho bị can, người bào chữa, bị hại biết về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung (BL 312, 313). Vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Xâm phạm nghiêm trọng các quyền của bị can quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự. Xâm phạm nghiêm trọng quyền của người bào chữa quy định tại Điều 73, 81, 82 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là vi phạm nghiêm trọng vì đã không thực hiện những gì mà pháp luật quy định phải thực hiện.
3. Cán bộ điều tra không có tên trong “Quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án” (BL 314, 315) nhưng lại tiến hành tố tụng trong vụ án với tư cách người ghi Biên bản ghi lời khai đối với ông Thanh, ông Thinh, ông Quang, bà Hoa, ông Luân, ông Hoan, bà Giễ, bà Nga (từ BL số 352 đến BL số 375 đều do ông Nguyễn Văn Chính là cán bộ điều tra thực hiện việc ghi biên bản ghi lời khai). Vi phạm nghiêm trọng qui định tại điểm c khoản 1 Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 52, 59 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Tại phiên tòa, bà Ninh Thị Giễ đã khai và khẳng định là chưa bao giờ gặp, nhìn thấy, hoặc được làm việc với người công an nào có tên là Nguyễn Quang Quảng. Vi phạm này là nghiêm trọng vì điều tra viên đã tự ý làm những công việc mà mình không được phân công, không có nhiệm vụ và trách nhiệm phải làm, không được làm.
4. Khi giao cáo trạng (BL 440, 445) cho bị can Ngụy Ngọc Vệ thì kiểm sát viên đã “cố ý” không giải thích cho bị can Vệ được biết về “quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can”. Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, đã xâm phạm nghiêm trọng, đã cố ý làm “triệt tiêu” mất quyền quan trọng nhất của bị can được quy định tại điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo không có quyền “được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa của bị can”. Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định khi tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo Ngụy Ngọc Vệ sẽ không còn có quyền này và vì vậy mà ông Vệ sẽ không thể thực hiện được quyền này. Vi phạm này là nghiêm trọng vì đã không thực hiện những gì mà pháp luật đã quy định bắt buộc kểm sát viên phải thực hiện.
5. Về xác định hành vi vi phạm, số tiền chiếm đoạt, số lần chiếm đoạt, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết tăng nặng định khung:
* Đặt giả thiết nếu như Quỹ tín dụng phát hiện ra việc “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán” của ông Vệ trước thời điểm ông Vệ rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm (sau lần 2 và trước lần thứ 3 tất toán), thì Quỹ tín dụng cũng không thể xử lý ông Vệ bằng hình thức “buộc thôi việc” và cơ quan tố tụng không thể xử lý bằng hình sự đối với hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán” của ông Vệ được. Trường hợp này ông Vệ chỉ có thể bị xử lý “khiển trách”, “buộc phải thực hiện hạch toán vào tài khoản kế toán” (phải ghi vào thẻ lưu tiết kiệm số tiền 22.649.200 đồng). Bởi vì cả hai lần ông Vệ rút tiền này đều là hợp pháp, Quỹ tín dụng cho phép được rút tiền, số tiền rút ra trong 2 lần này đều là “tiền gốc và tiền lãi của khách hàng đã gửi tiết kiệm”. Việc ông Vệ ký tên “Hoan, Nguyễn Văn Hoan” vào mục người rút tiền không phải là hành vi “gian dối” mà việc làm này là do ngay từ ban đầu khi gửi tiền theo ủy quyền của ông Hoan thì ông Vệ đã ký tên “Hoan, Nguyễn Văn Hoan” vào mục người gửi tiền. Tất cả các lần rút tiền ông Vệ đều ký tên “Hoan, Nguyễn Văn Hoan”. Nếu xác định việc ông Vệ ký tên “Hoan, Nguyễn Văn Hoan” vào mục người rút tiền là hành vi “gian dối, giả mạo”, thì phải xác định ông Vệ đã “gian dối, giả mạo” ký tên “Hoan, Nguyễn Văn Hoan” ngay từ ban đầu khi gửi tiền cũng như lần tất toán cuối cùng rút toàn bộ tiền gốc và lãi suất cũng là “gian dối, giả mạo”, nếu như vậy thì số tiền mà ông Vệ đã có hành vi “gian dối, giả mạo” để rút tiền chắc chắn sẽ không phải 22.649.200 đồng. Việc ông Vệ rút tiền xong có đem đưa trả đủ cho ông Hoan hay không là một quan hệ khác, không thể căn cứ vào việc ông Vệ đã rút tiền ở quỹ nhưng không đưa lại cho ông Hoan để kết luận hành vi và số tiền ông Vệ rút ra không đưa cho ông Hoan là hành vi lừa đảo.
* Tại biên bản ghi lời khai ngày 07/3/2012 (BL 83,84) ông Nguyễn Xuân Thinh là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ tín dụng đã khai rõ “ông Vệ là kế toán đã cố tình không hạch toán số tiền đã rút trên thẻ lưu sổ tiết kiệm của khách hàng”… “ông Vệ đã gian dối trong việc hạch toán”. Hành vi sai phạm của ông Vệ đã bị Quỹ tín dụng xử lý bằng biện pháp xử lý hành chính và Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tân Yên cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng vì đã có hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán để chiếm dụng số tiền 22.649.200 đồng”.
* Cùng một hành vi nhưng có sự mâu thuẫn khi xác định hệ quả pháp lý:
- Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tân Yên đã kết luận hành vi sai phạm của ông Vệ là hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán”. Biên bản họp, kết luận, quyết định của cơ quan Đảng đã có hiệu lực pháp luật, đã được thi hành.
- Cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi sai phạm của ông Vệ là “tham ô tài sản” và “lừa đảo”. Kết luận này được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tân Yên đã kết luận hành vi sai phạm của ông Vệ là hành vi “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán”. Kết luận này của cơ quan tiến hành tố tụng chưa có hiệu lực pháp luật.
- Cùng một hành vi sai phạm liên quan đến số tiền 22.649.200 đồng, ông Vệ không thể bị xử lý 2 lần bằng 2 hình thức, không thể đồng thời phải chịu trách nhiệm về 2 hệ quả pháp lý khác nhau, không thể vừa kết luận là “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán” đồng thời lại vừa kết luận là “lừa đảo”; không thể vừa kết luận là “tham ô tài sản” đồng thời lại kết luận là “lừa đảo”. Nếu kết luận của cơ quan tố tụng là đúng, thì ngược lại kết luận của Đảng sẽ là sai và như vậy thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có văn bản kiến nghị hoặc yêu cầu Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tân Yên thu hồi, hủy bỏ quyết định kỷ luật Đảng có nội dung kết luận hành vi sai phạm của ông Vệ là “cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán”. Đồng thời phải yêu cầu cơ quan Đảng sửa sai bằng cách “phải kết luận, ban hành quyết định xử lý kỷ luật Đảng đối với ông Vệ vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
6. Cần phải nhận định rõ trong nội dung của bản án phúc thẩm về việc kết luận ông Vệ phạm tội “tham ô tài sản” hay phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng:
Kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm xét xử về tội tham ô tài sản (BL 145, 171, 206, 240) đều nhận định, xác định, kết luận, quyết định có nội dung là “việc truy tố, xét xử, kết tội” ông Vệ về tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cáo trạng (BL 440-443) và bản án sơ thẩm xét xử ông Vệ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày 11/9/2018 thì lại nhận định, xác định, kết luận, quyết định với nội dung là “việc truy tố, xét xử, kết tội” ông Vệ về tội lừa đảo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Vậy việc truy tố, xét xử ông Vệ về tội danh nào là đúng? Một hành vi thì không thể bị truy tố, xét xử về “tham ô” cũng đúng và sau đó truy tố, xét xử về “lừa đảo” cũng đúng?
7. Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xác định ông Ngụy Ngọc Vệ đã bị “tạm giam” trái pháp luật kể từ ngày 07/02/2017 đến ngày 13/02/2018:
- Ngày 06/02/2018 Tòa án nhân dân huyện Tân Yên nhận lại hồ sơ vụ án do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chuyển về và tiến hành thụ lý lại vụ án số 05/2018/TLST-HS.
- Lệnh tạm giam số 01/2017/HSGDT ngày 08/12/2017 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao (BL 259) đã ghi rõ “Thời hạn tạm giam kể từ ngày 08/12/2017 cho đến khi Tòa án nhân dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thụ lý lại vụ án”.
- Mãi đến ngày 08/02/2018 thì Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Yên mới ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-CA về việc hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù (BL 276). Trong nội dung quyết định không ghi rõ ai, cơ quan nào có trách nhiệm phải thi hành ngay quyết định này, vì thế mãi cho đến ngày 13/02/2018 thì ông Vệ mới được trả tự do.
- Nội dung tại Quyết định hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù số 01/2018/QĐ-CA không đúng với quy định tại Điều 125, 278 Bộ luật Tố tụng hình sự, trái ngược hoàn toàn với nội dung được ghi ở Lệnh tạm giam số 01/2017/HSGDT. Theo nội dung Lệnh tạm giam số 01/2017/HSGDT thì kể từ thời điểm ngày 08/12/2017, ông Ngụy Ngọc Vệ là “bị cáo” đang bị áp dụng biện pháp “tạm giam”, không phải là “phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù”. Quyền và nghĩa vụ của “người bị tạm giam” so với quyền và nghĩa vụ của “phạm nhân” khác nhau rất nhiều.
Theo quy định tại Điều 125, 278 Bộ luật Tố tụng hình, ngay sau khi nhận lại hồ sơ vụ án vào ngày 06/02/2018, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Yên có quyền và nghĩa vụ phải ban hành “Quyết định tạm giam” theo Mẫu số 04-HS được ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc “Quyết định hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn” theo đúng nội dung đã được quy định tại Điều 125, 278 Bộ luật Tố tụng hình sự, mặc dù ngày 06/02/2018 con trai ông Vệ là Ngụy Ngọc Đề đã nộp cho Tòa án Đơn xin bảo lĩnh và quyết định giám đốc thẩm số 283 ngày 08/12/2017 (BL 261-264).
Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung cáo trạng, nội dung bản án sơ thẩm ngày 11/9/2018, trên cơ sở những căn cứ pháp luật được phân tích ở trên, xác định: Không có quyết định tố tụng nào sửa đổi, thay thế “Quyết định hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù số 01/2018/QĐ-CA. Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Yên ban hành Quyết định hủy bỏ quyết định thi hành án phạt tù số 01/2018/QĐ-CA trái với nội dung Lệnh tạm giam số 01/2017/HSGDT, trái với quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đang bị tạm giam. Việc ban hành quyết định tố tụng cũng như việc “chậm” ban hành quyết định tố tụng của Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tân Yên dẫn đến việc ông Vệ bị tạm giam trái pháp luật từ ngày 07/02/2018.
Kiến nghị
Căn cứ vào diễn biến quá trình giải quyết vụ việc sai phạm của ông Vệ và theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là căn cứ vào nội dung tại quyết định số 27-QĐ-UBKT của Ủy ban kiểm tra huyện ủy Tân Yên đã kết luận hành vi của ông Vệ là “Cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán để chiếm dụng số tiền 22.649.200đ”, xác định: Trong năm 2009, ông Vệ đã 2 lần rút tiền tiết kiệm theo ủy quyền của ông Hoan nhưng đã “không ghi vào Thẻ lưu tiết kiệm, Cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị kế toán”.
Hành vi “không ghi vào Thẻ lưu tiết kiệm, cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị kế toán” của ông Ngụy Ngọc Vệ cần phải được cơ quan quản lý người vi phạm, cơ quan Đảng cùng các cơ quan pháp luật xác định đúng bản chất là “Vi phạm quy định về kế toán, cố ý hạch toán sai nguyên tắc kế toán”
Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cần xem xét hủy bản án sơ thẩm số 25/2018/HSST ngày 11/9/2018. Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Yên tiến hành điều tra bổ sung làm rõ một số những vi phạm về tố tụng.
Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 chưa có quy định riêng về hành vi vi phạm trong hoạt động kế toán. Đối tượng có hành vi vi phạm thường bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản hoặc tội danh về chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã dành riêng Điều 221 quy định về “tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, theo nội dung quy định của Điều 221 thì hành vi vi phạm qui định về kế toán phải “gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” thì đủ yếu tố định lượng và căn cứ pháp lý để khởi tố, truy tố, xét xử. Theo hồ sơ vụ án thì hành vi vi phạm về kế toán của ông Vệ chỉ gây thiệt hại số tiền là 22.649.200 đồng, trước đó ông Vệ chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này. Do vậy, hành vi vi phạm về kế toán gây thiệt hại số tiền là 22.649.200 đồng của ông Vệ không đủ yếu tố để khởi tố, truy tố, xét xử về tội danh được quy định tại Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội quy định “Hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại”. Điểm đ quy định “… Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ”.
Điều 3 Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định “... Người thực hiện hành vi mà theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là tội phạm nhưng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó. Đối với các trường hợp hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội”.
Để vụ án được xem xét, giải quyết một cách toàn diện, triệt để và để hình phạt được tuyên xử tại các bản án, quyết định trong tố tụng hình sự tuân thủ đúng pháp luật, cần phải áp dụng đúng và đầy đủ các quy định có lợi cho bị can tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn của Quốc hội và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Để xác định hành vi “không ghi vào thẻ lưu tiết kiệm, cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị kế toán” của ông Ngụy Ngọc Vệ chính là “vi phạm quy định về kế toán”. Hành vi này của ông Vệ chưa đủ yếu tố định lượng để khởi tố, truy tố, xét xử về hình sự. Hành vi “vi phạm quy định về kế toán” của ông Vệ cần phải được miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án.
PV