Đơn thư bà Tống Thị Huệ gửi đến Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Từ nội dung vụ việc...
Theo đó, căn cứ vào Thông báo số 148/TB-NAP.TN ngày 10/8/2022 của Công ty Đấu giá hợp danh quốc gia về việc bán đấu giá tài sản thi hành án vụ án Đồng Văn Hưng lần 7, bà Huệ có mua hồ sơ và tham gia đấu giá tài sản. Phiên đấu giá tài sản ngày 30/8/2022, bà Huệ là người trúng đấu giá tài sản thi hành án, Công ty Đấu giá Hợp danh quốc gia và Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Bắc Kạn có Biên bản đấu giá số 18-10/BB-NPA.TN ngày 30/8/2022, thể hiện việc trúng đấu giá của bà Huệ theo quy định pháp luật.
Ngay sau phiên đấu giá, bà Huệ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đăng ký hợp đồng với công chứng theo đúng quy định của pháp luật. Qua hai lần đề nghị bàn giao tài sản, đến nay đã hơn 60 ngày, sau nhiều lần hoãn do đương sự chống đối, không hợp tác; vào ngày 12/12/2022, Chi cục THADS thành phố Bắc Kạn đã ban hành Quyết định cưỡng chế số 641/TB-CCTHADS ngày 02/12/2022 để bàn giao tài sản cho bà Huệ.
Theo quyết định cưỡng chế nêu trên, bà Huệ đã có mặt đúng thời gian quy định, chấp hành các nội quy của buổi cưỡng chế đề ra, tuy nhiên, khi nhận tài sản bàn giao bà thấy các tài sản đã bị phá hủy, thiệt hại nghiêm trọng so với khi bà Huệ được Chi cục THADS thành phố Bắc Kạn dẫn đi xem tài sản để tham gia mua tài sản đấu giá theo luật định.
Các tài sản bà Huệ thấy bị thiệt hại, gồm: Toàn bộ mái tôn trên tum tầng 3 của căn nhà đã bị dỡ bỏ, phá hủy; toàn bộ hệ thống cửa bên trong nhà bị tháo dỡ, phá hủy; hệ thống lan can tầng 2 bị dỡ bỏ, phá hủy; hệ thống thiết bị vệ sinh bị đập vỡ, hủy hoại; hệ thống điện, ổ điện, công tắc bị hủy hoại; cửa kính trên tầng 2 bị đập vỡ,… Theo bà Huệ tính toán sơ bộ, tổng thiệt hại ước tính khoảng 300.000.000 đồng.
Hình ảnh được cho là di dời tài sản trước ngày cưỡng chế thi hành án.
Bạn đọc tiếp tục khiếu nại
Liên quan đến nội dung trên, vào ngày 31/3/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Kạn đã gửi Thông báo số 195/QĐ-ĐTTH do Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng, Phó Thủ trưởng thông báo cho bà Tống Thị Huệ là người tố giác và ông Đồng Văn Hưng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Thông báo số 195/QĐ-ĐTTH về nội dung kết luận định giá tài sản.
Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự và Bản kết luận định giá tài sản số 32 ngày 26/02/2023 và Bản kết luận định giá tài sản số 36 ngày 28/02/2023 của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự thành phố Bắc Kạn có nội dung kết luận định giá tài sản: “Đối với tài sản bị hư hỏng gồm: 07 (bảy) hộp công tắc điện; 25 (hai mươi lăm) ổ điện; 01 (một) Aptomat; 01 (một) tấm kính cửa sổ kích thước 1m25 x 60cm; 01 (một) gương kích thước 50x24cm. Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 2.025.000 đồng (Hai triệu không trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Đối với tài sản bị tháo dỡ gồm: 20 (hai mươi) cánh cửa làm bằng gỗ sao; 07 (bảy) đoạn kết cấu khung được làm bằng gỗ sao (lan can); mái tôn. Tổng giá trị tài sản là 4.375.000 đồng (Bốn triệu ba trăm bảy mươi lăm nghìn đồng)”.
Tiếp đó, vào ngày 12/4/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Kạn đã gửi Thông báo số 35/TB-ĐTTH do Thượng tá Ngô Ngọc Dưỡng thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm về việc khi nhận bàn giao tài sản trúng đấu giá là căn nhà số 408 thuộc tổ 3 và tổ 6, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn phát hiện một số tài sản bị tháo dỡ, đập phá làm hư hỏng vào ngày 12/12/2022.
Thông báo số 35/TB-ĐTTH về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Theo đó, qua kiểm tra xác minh thu thập thông tin tài liệu, ngày 12/4/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Bắc Kạn ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản” xảy ra ngày 12/12/2022 tại căn nhà số 408 thuộc tổ 3 và tổ 6, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn theo quy định tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Sau khi nhận được hai thông báo, bà Tống Thị Huệ không nhất trí về vấn đề trên và tiếp tục gửi đơn đến cơ quan chức năng và báo chí khiếu nại về kết quả định giá tài sản.
Theo bà Huệ Bản án số 01/2020/KDTM-ST ngày 13/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Bắc Kạn; Bản án số 01/2020/KDTM-PT ngày 01/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành án số 304/QĐ-CCTHADS ngày 27/5/2021. Quyết định cưỡng chế thi hành án số 06/QĐ-CCTHADS ngày 23/12/2021 của Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Kạn cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giao cho ông Đồng Văn Hưng quản lý số tài sản kê biên (đất và tài sản trên đất) theo quy định pháp luật, nhưng khi Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Kạn yêu cầu bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định thì ông Hưng đã phá hủy, di dời làm mất công năng sử dụng của tài sản, gây thiệt hại cho bà Huệ người trúng đấu giá trước ngày chi cục Thi hành án dân sự thành phố bàn giao tài sản cho bà Huệ.
Bà Huệ cho rằng, căn cứ Điều 385 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi nêu trên của ông Đồng Văn Hưng và bà Nguyễn Thị Thủy đã đủ căn cứ, dấu hiêu về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Ngoài ra, bà Huệ cũng không nhất trí về bản kết luận định giá tài sản vì trong bản kết luận còn thiếu bởi toàn bộ bồn cầu vệ sinh, bệ rửa mặt, bồn tắm, hệ thống ống nước, bóng đèn… cơ quan điều tra không cho tiến hành định giá gây thiệt hại cho cá nhân bà Huệ.
Bà Huệ bất bình cho biết thêm: “Tôi không chấp nhận việc kết luận kê biên trên, bởi tổng tài sản thế chấp với ngân hàng trước khi Tòa án tuyên phát mãi là hơn 5 tỉ đồng, sau nhiều phiên đấu giá không thành, đến khi tôi mua trúng đấu giá là 3,5 tỉ đồng, tài sản bị “đối tượng” ngang nhiên phá dỡ giữa ban ngày, coi thường pháp luật, tháo toàn bộ cửa, lan can cầu thang, mái tôn thành ngôi nhà hoang, làm giảm giá trị của ngôi nhà nói riêng. Khi tôi nhận tài sản về sữa chữa các hạng mục bị hủy hoại chưa xong đã hết gần 250 triệu rồi vậy mà cơ quan chức năng định giá tất cả tài sản bị hủy hoại chưa đến 7 triệu”.
Theo bà Huệ nhiều tài sản bị hủy hoại không được kê biên, định giá.
Luật sư và cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với phóng viên chiều 19/04/2023, ông Bùi Tuấn Hùng, Trưởng Công an thành phố Bắc Kạn cho biết: “Về đơn thư khiếu nại về việc định giá thì chưa nhận được, còn để định giá thì có hội đồng. Nhưng về tổng thể nhiều tài sản chưa xác định được chủng loại rất khó trong việc định giá, trong khi đó chị Huệ lại có ý kiến về công tác khởi tố buộc cơ quan điều tra phải tách ra những phần nào có thể căn cứ định giá thì định giá trước chứ không phải thiệt hại tổng nó là như thế. Cái phần đủ phục vụ đảm bảo đủ số tiền để khởi tố thì sẽ khởi tố trước vụ án, sau đó thu thập và tiếp tục định giá tiếp. Còn định giá trên cơ sở trong hoạt tố tụng thì phòng tài chính cùng cấp người ta thành lập”.
Trao đổi về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công và Thiện Tâm cho biết: Việc định giá tài sản có vai trò quan trọng trong xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại về tài sản.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ra đời, đã quy định cụ thể về định giá tài sản (Điều 69; Điều 101; Điều 215 đến Điều 222) bao gồm: Yêu cầu định giá tài sản; thời hạn định giá tài sản; tiến hành định giá, định giá lại tài sản; định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn; định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; kết luận định giá tài sản; quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản.
Để hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018; sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự.
"Ở đây, chúng tôi không được tiếp nhận hồ sơ trực tiếp để xác định căn cứ định giá tài sản và phương pháp định giá tài sản nhưng nếu như trường hợp trên, nếu không đồng tình với kết luận định giá thì có thể trình bày ý kiến và đề nghị định giá lại. Trong văn bản luật cũng nêu rõ, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do", Luật sư phân tích rõ.
PV