Phát biểu tại hội nghị phát động Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sáng 10/10, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã xác định "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành. Tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh bảo đảm thiết thực hiệu quả".
Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị phát động Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%; Chỉ số xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số an toàn thông tin mạng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Thời gian qua, trong lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh Bắc Ninh đã gặt hái được một số mặt tích cực. Nổi bật là tổ chức định danh VNeID cho người dân trên địa bàn tỉnh vượt chỉ tiêu giao là 102,2%; thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 99,85%; chi trả lương hưu không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 93%. Bắc Ninh là địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin để triển khai thí điểm dịch vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và đang thực hiện rà soát, cập nhật, làm sạch dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử của công dân để tích hợp lên ứng dụng VNeID.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở ngành bấm nút khai trương triển khai thử nghiệm cấp phiếu Lý lịch tư pháp, Sổ sức khoẻ điện tử trên VNeID
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, thách thức trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, đó là: Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đồng đều; Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa, cập nhật thông tin, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm.
Bên cạnh đó, nhận thức và mức độ quan tâm về an toàn, bảo mật thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế; việc kiểm soát, ngăn ngừa thông tin xấu độc, lừa đảo trên môi trường mạng còn nhiều thách thức. Kinh tế số chưa có bước chuyển rõ nét; mức độ chuyển đổi số trong các loại hình doanh nghiệp còn chậm.
Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính tỉnh còn thấp xếp thứ 55/63, theo đó qua điều tra khảo sát của Bộ Nội vụ thì mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) chỉ đạt 7,73/10 điểm và khảo sát lãnh đạo, quản lý chỉ đạt 16,91/22 điểm, kết quả này cho thấy còn nhiều việc phải làm trong công tác triển khai, phối hợp nâng cao cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vi, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng cần bám sát các chủ trương, chiến lược, định hướng về chuyển đổi số quốc gia để xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho trúng và đúng. Tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại; giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh các nhiệm vụ cụ thể trong chuyển đổi số cho thời gian tới.
PV