Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự cắt băng khánh thành và thông xe cầu.
Đây là cây cầu có ý nghĩa quan trọng, hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Dự án đầu tư xây dựng cầu Kinh Dương Vương (hay còn gọi cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành) có vòm thép “Lưỡng Long Triều Nhật” với kiến trúc 5 nhịp vòm cao từ 40 - 67m và 1 vòm thép cao tới 87m. Đây là điểm nhấn nổi bật của cầu và được xem là cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam cho đến hiện tại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang phát biểu tại buổi Lễ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của tỉnh, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.
Được khởi công từ đầu năm 2018, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, cầu Kinh Dương Vương có quy mô thiết kế hiện đại, đồng bộ cả về cấu trúc và giá trị văn hoá. Chiều dài tuyến 1.518,03m, trong đó cầu dài 1.215,0m; đoạn sau phía Tiên Du dài 222,45m; phía Thuận Thành dài 80,58m. Điểm đầu tại Km14+313.25, thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (Tiên Du); điểm cuối tại Km15+831.28, thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành). Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh phương án thi công, thiết kế kỹ thuật một số hạng mục công trình, đến nay mới chính thức hoàn thành.
Hình ảnh cầu Kinh Dương Vương trước thông xe.
Cầu Kinh Dương Vương đóng vai trò kết nối các tuyến QL.1, QL.17, TL.287, QL.38, QL.18, nhằm hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng Thủ đô, trực tiếp là các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… mang sứ mệnh văn hoá cao cả, kết nối các khu di tích lịch sử khu vực phía Nam sông Đuống như: Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu... với các di tích phía Bắc sông Đuống như: chùa Phật Tích, Đền Đô, đình Đình Bảng, chùa Tiêu... thúc đẩy du lịch văn hoá tâm linh miền Quan họ phát triển.
PV