/ Pháp luật - Đời sống
/ Bắc Ninh: Nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét trong việc thu hồi đất, di dời mộ phần tại phường Vân Dương

Bắc Ninh: Nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét trong việc thu hồi đất, di dời mộ phần tại phường Vân Dương

12/10/2023 06:40 |

(LSVN) - Công tác thi hành quyết định thu hồi đất là rất quan trọng và không thể thiếu những quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật về đất đai. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng vụ việc UBND phường Vân Dương (TP. Bắc Ninh) thu hồi đất, di dời mộ phần của một hộ dân trên địa bàn để phục vụ Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Hai Vân – Chu Mẫu, phường Vân Dương vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về quy định của pháp luật cần đặt ra.


Bà Nguyễn Thị Yến cho biết, bà không hề nhận được quyết định cưỡng chế, bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Mới đây, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Yến (SN 1960, khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), trong đơn bà Yến khiếu nại về hành vi cưỡng chế thu hồi đất trái với quy định pháp luật, xâm phạm mồ mả của UBND TP. Bắc Ninh.

Bà Yến trình bày, hiện nay, bà cùng gia đình đang sinh sống tại khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh. Bản thân bà là lao động chính trong gia đình. Chồng bà là Phạm Quốc Duyệt (SN 1962) bị tai nạn cách đây hơn 20 năm nên mất khả năng lao động, mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều cần người trợ giúp. Con trai bà là Phạm Ngọc Anh Đức (SN 2001) bị mắc chứng tự kỷ, cũng không thể tự sinh hoạt một cách bình thường.

Bà có một thửa đất nông nghiệp tại khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, thuộc tờ bản đồ số 117, số thửa 58, diện tích 229.5m2 hiện đang thuộc vào diện bồi thường hỗ trợ để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở Hai Vân – Chu Mẫu, phường Vân Dương để khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoàn trả vốn thực hiện Dự án đầu tư xây dựng từ tuyến đường QL18 đến Trung tâm hành chính mới phường Vân Dương, giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BT.

Trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu canh tác của gia đình bà có 5 ngôi mộ của tổ tiên được mẹ bà trước khi mất giao cho bà trông nom, hương khói.

Tuy nhiên, cách đây hơn 2 năm, cụ thể là vào ngày 02/02/2021 (tức ngày 21/12/2020 âm lịch), theo sự chỉ đạo của UBND TP. Bắc Ninh, UBND phường Văn Dương cùng với với ông Nguyễn Văn Chắn là em cùng cha khác mẹ với bà (mẹ bà là vợ cả và việc thờ cúng tổ tiên từ lúc bố bà còn sống hay sau khi bố bà mất đều là do mẹ bà đảm đương) đã tự ý, lén lút cho máy xúc vào đất nhà bà để đào xới, mang 5 ngôi mộ của gia đình bà đi nơi khác trong khi không hề được sự cho phép của bà.


Bà Nguyễn Thị Yến cho hay, không hề nhận được thông báo di dời mộ phần của tổ tiên mà bà đã được quy chủ.

Trong quá trình thực hiện bà không có mặt và cũng không được thông báo trước về sự việc. Hậu quả là hiện nay gia đình bà bị thất lạc mất một ngôi mộ đang không rõ tung tích nằm ở đâu do họ đã tự ý chia đôi hài cốt ở trong một ngôi mô ra làm hai để tạo thành sáu ngôi mộ.

Chiều cùng ngày hôm đó UBND phường Văn Dương trả tiền bồi thường về việc chuyển mộ cho ông Chắn, mặc dù bà mới là người có quyền được nhận và đưa biên bản về việc này ra bắt bà ký.

Nhận thức được hành vi trái phép, bà không ký và thắc mắc tại sao lại đào xới và chuyển mộ của tổ tiên bà đi mà không thông báo, không có sự đồng thuận của bà là người được quản lý, chăm sóc, hương khói.  

Lúc đó, bà chỉ nhận được thông tin mộ đã chuyển đi và ông Chắn đã nhận tiền nhưng vì tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tên bà, bà được quy chủ đối với các ngôi mộ trên nên bắt bà ký nhận để hoàn tất hồ sơ.

Bà vẫn không ký vì trước quá trình thực hiện việc chuyển mộ, bà không hề nhận được thông báo gì về việc này. Lúc này, một người tự xưng là Quang thuộc Tổ Giải phóng mặt bằng đưa cho bà một tờ giấy và bảo đó là giấy ủy quyền về việc chuyển mộ, ép bà ký để hợp lý hóa việc di dời mộ trái phép nhưng bà vẫn không ký.

Ngay sáng hôm sau bà đến UBND phường Văn Dương với mục đích hỏi rõ về hành vi xâm phạm, di dời mộ phần tổ tiên trong khi không hề thông báo nhưng không nhận được bất kì một câu trả lời nào.

Mãi đến tận ngày 12/3/2022, tức là hơn 1 năm sau ngày xảy ra sự việc, UBND phường Văn Dương mới ra Thông báo số 31/TB-UBND về việc giải đáp thắc mắc và tuyên truyền các hộ gia đình nhận tiền bồi thường nhưng lúc này mồ mả tổ tiên ở trên đất đã bị chuyển đi dẫn đến thất lạc nên bà không chấp nhận làm việc với họ. Tự ý đào bới mang đi không được cúng lễ theo đúng tập quán bao đời nay của người Việt khiến gia đình bà gặp muôn vàn khó khăn.

Ngày 20/3/2022, bà làm đơn cầu cứu gửi tới Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan báo chí nhưng không nhận được câu trả lời nào.


Bà Nguyễn Thị Yến nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên UBND phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh.

Ngày 16/02/2023, theo sự chỉ đạo của UBND TP. Bắc Ninh, UBND phường Vân Dương tiếp tục cho máy xúc vào đào xới, đổ đất, đóng cọc, quây rào tôn kín ruộng nhà bà và nói với những người dân đứng xem là họ tổ chức cưỡng chế ruộng. Mà bản thân bà cũng không nhận được bất kỳ thông báo hay quyết định cưỡng chế nào, bà chỉ được biết sự việc khi những người dân trong làng đến và báo.

Ngay trong ngày 16/02/2023, bà tiếp tục làm đơn cầu cứu lần thứ hai gửi tới Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan báo chí nhưng cho tới nay vẫn không nhận được câu trả lời nào.

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Luật Bắc Nam bày tỏ quan điểm: Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang trên tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó Luật Đất đai năm 2013 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi, điều này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xã hội và đạt một bước tiến bộ trong quá trình thực hiện chính sách quản lý về đất đai và sử dụng đất đai của Nhà nước.

Đối với việc giải phóng đền bù đất có mồ mà đụng chạm vào vấn đề tâm linh mà ai cũng biết mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt của thân nhân người có đất bị thu hồi nên cần tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân trên địa bàn đó.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu một người có hành vi xâm phạm mồ mả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 246 Bộ luật Hình sự về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Ngoài ra, tại Điều 607 Bộ luật Dân sự người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả còn có thể phải bồi thường thiệt hại.

Từ những quy định nêu trên cho thấy, vấn đề bảo vệ mồ mả của người chết đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm và có biện pháp xử lý rất nghiêm khắc. Do đó mồ mả của người đã chết không những là tâm linh, tín ngưỡng của người sống đối với người chết mà còn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Theo khoản 3 Điều 71 và điểm d khoản 5 Điều 71 Luật Đất đai thì UBND TP. Bắc Ninh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế, UBND phường Vân Dương có trách nhiệm thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất, phối hợp, tham gia thực hiện cưỡng chế và chỉ khi đáp ứng đủ những điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 thì UBND TP. Bắc Ninh mới có đủ căn cứ để cưỡng chế thu hồi đất của bà Yến.

Được biết, sau khi bà Yến có đơn khiếu nại gửi UBND TP. Bắc Ninh về hành vi cưỡng chế thu hồi đất trái với quy định pháp luật, xâm phạm mồ mả của UBND TP. Bắc Ninh, thì đến ngày 29/8/2023, bà Yến nhận được Quyết định 1530/QĐ-UBND của UBND TP. Bắc Ninh về việc giải quyết  đơn khiếu nại.
 
Sau khi xem kết luận trong Quyết định 1530/QĐ-UBND của UBND TP. Bắc Ninh, bà Yến không đồng ý với Điều 1: “Không chấp nhận đơn khiếu nại và các yêu cầu của bà Nguyễn Thị Yến, địa chỉ khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh; yêu cầu của bà Nguyễn Thị Yến, địa chỉ khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh chấp hành nghiêm túc chính sách pháp luật của nhà nước về thu hồi và bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất” trong Quyết định 1530/QĐ-UBND của UBND TP. Bắc Ninh.

Vì vậy, bà đã làm đơn khiếu nại Quyết định 1530/QĐ-UBND.

Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định:

1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật này.

2. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục.

b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.

d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:

a) Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.

c) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất:

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất.

b) Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.

c) Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất.

đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

ĐOÀN TÂN

Bùi Thị Thanh Loan