/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc: Không có thiệt hại như cáo buộc

Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc: Không có thiệt hại như cáo buộc

05/01/2021 17:52 |

LSVNO – Tại phiên tòa hôm nay (17/8), Giám định viên tư pháp của Tổng cục Hải quan khẳng định, không kết luận về thiệt hại thuế như cáo trạng quy kết.

LSVNO – Tại phiên tòa hôm nay (17/8), Giám định viên tư pháp của Tổng cục Hải quan khẳng định, không kết luận về thiệt hại thuế như cáo trạng quy kết.

Giám định viên tư pháp gồm ông Nguyễn Danh Nghĩa và bà Nguyễn Thị Thân, công tác ở Cục Hải quan TP. Hà Nội. Ngày 23/02/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) có quyết định trưng cầu giám định với Tổng cục Hải quan. Tiếp đó, ngày 07/3/2018, Tổng cục Hải quan có công văn cử ông Nghĩa và bà Thân thực hiện việc giám định.

Từ trái qua,bà Nguyễn Thị Thân và ông Nguyễn Danh Nghĩa.

Tại phiên tòa hôm nay, Ông Nghĩa và bà Thân khai, căn cứ hồ sơ tài liệu do C44 cung cấp và các văn bản quy định của Nhà nước để tính ra số tiền thuế chênh lệch. Đây là con số chênh lệch giữa số liệu của Công ty Ngọc Hưng khai với khối lượng lô gỗ 535,8 m3 (gồm thuế giá trị gia tăng đã nộp khi nhập khẩu, thuế xuất khẩu đã khai khi làm thủ tục xuất khẩu) so với số liệu tính theo khối lượng lô gỗ được giám định (việc giám định đang bị đánh giá sai luật) là 614,672 m3. Từ đó, có bản kết luận giám định tư pháp ngày 16/3/2018 của Tổng cục Hải quan.

Theo kết luận giám định ngày 16/3/2018 của Tổng cục Hải quan cho thấy: “Công ty Ngọc Hưng đã khai thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp là 772.189.773 đồng; khai thiếu số tiền thuế xuất khẩu phải nộp là 1.080.109.150 đồng (…) Gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là 1.852.298.923 đồng”.

Hội đồng xét xử hỏi: “Công ty Ngọc Hưng có khai thiếu thuế hay không?”. Ông Nghĩa trả lời: “Công ty Ngọc Hưng khai báo thuế qua hải quan đúng. Với lô gỗ này, Công ty Ngọc Hưng khi xuất khẩu, được hoàn thuế giá trị gia tăng đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu”.

Về phía mình, Bà Thân cho biết: “Chúng tôi chỉ xác định số tiền thuế chênh lệnh tính theo hai con số về khối lượng lô gỗ do điều tra cung cấp, một của Công ty Ngọc Hưng khai và một do giám định. Bản kết luận giám định tư pháp là về việc xác định số tiền thuế chênh lệch, mà không xác định Công ty Ngọc Hưng khai thiếu thuế cũng không kết luận gây thất thu thuế cho Nhà nước. Chúng tôi không bình luận về con số chênh lệch, không bình luận thiệt hại, đó là việc của tố tụng”.

Khi Hội đồng xét xử hỏi về vấn đề thiếu thuế rất quan trọng vì liên quan trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án này, hội đồng giám định có thể giải thích thế nào về con số chênh lệch?”. Ông Nghĩa trả lời: “Chúng tôi chỉ tính toán số tiền thuế chênh lệch tính theo hai con số khối lượng lô gỗ, mà không đánh giá gì cả”.  

Luật sư hỏi ông Nghĩa: “Trong quyết định trưng cầu giám định của C44 có yêu cầu các nội dung là tính số tiền thuế chênh lệch giữa hai khối lượng gỗ, Công ty Ngọc Hưng có trốn thuế nhập khẩu và xuất khẩu hay không, nếu có thì trốn bao nhiêu tiền, ngân sách nhà nước bị thiệt hại bao nhiêu tiền. Tại sao không thực hiện và ghi hết các yêu cầu trong kết luận giám định trả lời cơ quan điều tra?”. Ông Nghĩa trả lời: “Nếu như thế thì Cơ quan Cảnh sát điều tra còn việc gì làm? Chúng tôi biết vụ án này khởi tố và điều tra đã nhiều năm chưa xử được. Trong kết luận giám định, chúng tôi chỉ trả lời về số tiền thuế chênh lệch và không ghi các nội dung khác nhưng không ghi cũng là một cách trả lời”.

Luật sư hỏi hai vị giám định viên.

Về cáo buộc “gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là 1.852.298.923 đồng”, các bị cáo tại tòa cũng đã bác bỏ vì “hoàn toàn không đúng pháp luật”. Các bị cáo nêu “căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 15, Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ; khoản 8 Điều 113 Thông tư số 194/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính thì lô gỗ trắc xuất khẩu này thuộc đối tượng được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu”.

Quan chức Quốc hội theo dõi phiên tòa.

Theo tài liệu cung cấp cho Hội đồng xét xử, trong các năm 2011, 2012, 2013, 2014 có 554 công ty, trong đó có Công ty Ngọc Hưng làm thủ tục hải quan, nhập khẩu mặt hàng gỗ từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Lao Bảo ở tỉnh Quảng Trị. Tổng khối lượng 506.000 m3 khối gỗ trắc, giáng hương, cẩm lai, mun, căm xe, gỗ với trị giá 22.000 tỷ đồng, sau đó xuất khẩu đi Trung Quốc, Hồng Kông qua Cửa khẩu cảng Cửa Việt, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng và các cửa khẩu khác trên toàn quốc, nhưng Hải quan không thu thuế nhập khẩu và xuất khẩu một công ty nào.

Sáu Nghệ