/ Đời sống - Xã hội
/ Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam: 'Người lính xung kích phòng, chống dịch Covid-19'

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam: 'Người lính xung kích phòng, chống dịch Covid-19'

24/02/2022 10:05 |

(LSVN) - Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), người phụ trách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn đã được người dân quý mến gọi với cái tên "Người lính xung kích phòng, chống dịch Covid-19".

Những lúc thiếu người Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp làm việc như một nhân viên của Trạm xá xã.

Thời gian vừa qua, huyện Nghi Xuân được ghi nhận là một "điểm nóng" về dịch Covid-19 tại Hà Tĩnh. Trên địa bàn huyện này đã xuất hiện nhiều ổ dịch lớn, cụ thể như ổ dịch tại quán Karaoke An Hồng (thị trấn Xuân An) nơi có tới 500 - 600 người là F1 hay như ổ dịch tại xã Xuân Lĩnh nơi đã ghi nhận tới 16 trường hợp F0 trong cộng đồng mà trong số đó có 15 học sinh các trường Tiểu học và THCS.

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có người nhiễm Covid-19, có 03 địa phương là vùng đỏ gồm: Thị trấn Xuân An, xã Cương Gián, xã Xuân Viên.

Được người dân tại địa phương khâm phục và quý mến, Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân luôn là người có mặt ở bất cứ đâu phát hiện dịch bệnh, là người hướng dẫn, hỗ trợ mọi người truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Đến bây giờ chị Lam cũng không nhớ rõ việc mình đã thức trắng mấy đêm cùng người dân tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Có thời kỳ dịch cao điểm 04 tháng chị Lam không về nhà, mặc dù nhà chị cách nơi làm việc không xa. Cũng không biết bao nhiều lần chị phải dậy đi làm việc lúc nửa đêm. Từ Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng người dân từ nhiều nơi về quê ăn Tết dẫn tới dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn, huyện Nghi Xuân bắt đầu xuất hiện nhiều ổ dịch lớn. Tại thị trấn Xuân An đã có trên 100 người mắc Covid-19, các xã Cương Gián, Xuân Viên cũng ghi nhận con số F0 tăng cao đột biến, tại một số trường học, đã ghi nhận tình trạng học sinh là F0, nhà trường, địa phương vẫn còn nhiều lúng túng trong cách xử lý các ca bệnh sao cho hiệu quả. Trước vấn đề trên, chị Lam hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, chị dường như luôn túc trực cạnh điện thoại để tư vấn cách ly học sinh, tư vấn cách ly F0 tại nhà, đồng thời hỗ trợ các phương án tại nơi thiếu vật tư. Do đó, chị chưa có được một hôm ở nhà với con trọn vẹn.

Nhiều chị em làm ở các Trạm xá xã tâm sự: “Dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, chúng cháu cũng mệt mỏi. Nhưng thấy chị Lam lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình công việc. Vất vả, gian nan là thế mà chúng cháu chưa thấy chị lúc nào tỏ ra mệt mỏi. Tấm gương của chị đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh để mọi người cùng chung sức, phục vụ người bệnh. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần các anh chị em ở các Trạm xá trực 24/24 giờ. Trực như vậy chị em chưa được 01 ngày nghỉ bù. Thấy chị Lam luôn đồng hành cùng anh chị em, nên không một ai kêu ca hay phàn nàn”.

Làm việc với Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam, chị cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân các y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng 20 người, trừ làm công tác quản lý, hành chính thực sự làm việc còn 16 người. Nhân viên các Trạm xá khoảng 100 người, vừa điều trị, vừa làm công tác phòng dịch, nên lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Nghi Xuấn còn gặp nhiều khó khăn. Thời điểm này, trên địa bàn xảy ra nhiều ổ dịch Covid-19 nên nguồn lực nhân viên càng thiếu.

"Có nơi chỉ có 02 người làm việc, nhiều điểm ngoài chỉ đạo tôi trực tiếp làm việc với anh chị em. Lúc đó, không còn phân biệt lãnh đạo và nhân viên nữa, mục tiêu của chúng tôi là hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ tốt người bệnh. Tính tới thời điểm hiện tại, huyện Nghi Xuân đã có trên 500 ca bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà. Số bệnh nhân F0 được điều trị tại nhà có tiến triển tốt, bên cạnh đó cũng chưa ghi nhận thấy xuất hiện bệnh nhân nặng. Để đạt được kết quả như vậy, chúng tôi đã quán triệt nhân viên y tế phải đi sâu đi sát, cùng gia đình quản lý tốt cho từng bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ trên hướng dẫn. Đồng thời, thành lập tổ lưu động đi hỗ trợ những địa phương khó khăn. Đối với các ca F1 đang cách ly tại nhà, chúng tôi quán triệt cho cán bộ địa phương, vận động, tuyên truyền thế nào là hiểu nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công tác phòng dịch, tự giác chấp hành các quy định, thực hiện đúng, nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế", Chị Lam nói.

Bên cạnh những chia sẻ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay, chị Lam cũng cho biết, bí quyết Nghi Xuân có nhiều ổ dịch phức tạp, nhưng không lan ra cộng đồng là nhờ vào việc lực lượng y tế đã bóc tách nhanh F0, truy vết F1 kịp thời để cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, theo chị Lam, việc tăng cường trong công tác tiêm vaccine Covid-19 là cực kỳ cần thiết hiện nay nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Được biết, huyện Nghi Xuân sắp hoàn thành Chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, theo đó việc tiên quyết trước mắt là phải làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức phòng chống dịch bệnh cho người dân bởi điều này là vô cùng quan trọng. 

"Tôi thấy ở đâu dân có ý thức phòng dịch, họ thấy phòng dịch là có lợi cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng, tự giác chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, thực hiện "5K" theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì ở đó không có ổ dịch lớn xảy ra", Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam cho biết.

Đợt dịch xảy ra ở huyện Nghi Xuân trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không lây lan ra cộng đồng người dân đã cho thấy vai trò cũng như công lao và sức lực của các “Chiến sĩ” áo trắng vô cùng lớn. Họ chống dịch quên cả ăn Tết, họ chống dịch quên cả chăm sóc con đang còn nhỏ dại.Họ vì dân thức trắng đêm phục vụ mà không một lời kêu ca phàn nàn. Họ chịu thiệt thòi mất mát, dành lại sự sống cho người dân. Nhân dân ghi nhận công lao của những “Chiến binh” áo trắng trên mặt trận chống dịch Covid-19 ở huyện Nghi Xuân, trong có Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam.

HẢI HƯNG

Sửa đổi, bổ sung 'Sổ tay phòng chống dịch Covid-19 trong trường học'

Lê Minh Hoàng