/ Pháp luật - Đời sống
/ Bài 2: Cở sở pháp lý nào để ‘bóng cười’ tồn tại?
Tác hại của 'bóng cười':

Bài 2: Cở sở pháp lý nào để ‘bóng cười’ tồn tại?

12/12/2024 18:31 |

(LSVN) – “Bóng cười” (khí N2O) thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công thương, quy định tại số thứ tự 120 Phụ lục số 02 Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.  Như vậy, khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng trong công nghiệp, chưa được cấp phép mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho con người.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu khí N2O về Việt Nam nhằm mục đích sử dụng cho công nghiệp nhưng sau đó lại đem bán sử dụng cho con người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, ngày 29/5/2019, Bộ Y tế có Công văn số 2954/BYT-KCB có nội dung: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo.

Do không có chế tài xử phạt người sử dụng nên để ngăn tác hại tiêu cực của việc sử dụng khí N2O sai mục đích, sai cách thức, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã tiến hành đẩy mạnh kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp kinh doanh khí N2O về lỗi hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh khi chưa có giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu, tội trốn thuế.

Công an TP. Hà Tĩnh test ma tuý nhiều đối tượng trong một quán bar trên địa bàn trước đó. Ảnh: Công an cung cấp.

Công an TP. Hà Tĩnh test ma tuý nhiều đối tượng trong một quán bar trên địa bàn trước đó. Ảnh: Công an cung cấp.

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm sử dụng bóng cười. Tuy nhiên, không nên sử dụng bóng cười vào các hoạt động vui chơi giải trí. Tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người sử dụng. Bóng cười là một quả bóng bên trong có bơm khí gây cười. Khí này có tên khoa học là dinito oxit hay còn gọi là N2O. N2O là một loại khí không màu, không mùi, nhẹ hơn không khí. Khi người dùng hít khí, thì hợp chất hóa học này làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể, khiến người hít khí cười có cảm giác hưng phấn, vui vẻ.

Khí cười có tác dụng giảm đau và an thần nhẹ nên được sử dụng trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều, liên tục trong một thời gian dài hoặc sử dụng trong tình trạng cơ thể bị suy nhược thì có thể gây ra nhiều tác hại tiêu cực cho người sử dụng như gây ảo giác, rối loạn hành vi hoặc tử vong. Bên cạnh việc sử dụng cho người thì khí này còn được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để làm kem bông tươi, tăng năng suất động cơ xe.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Khí cười (N2O) có tên tiếng Anh là Nitrous oxide, tên khoa học là Dinitơ monoxit. Khí cười được quy định là một trong các loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, cụ thể là được liệt vào mục số 120 thuộc Phụ lục II, Nghị định 113/2017/NĐ-CP Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Công an phát hiện nhiều vỏ "bóng cười" tại một quán bar trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Công an cung cấp.

Công an phát hiện nhiều vỏ "bóng cười" tại một quán bar trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo  các chất quy định tại Phụ lục II đều là “hóa chất nguy hiểm cần được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản, môi trường".

Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh khí cười cũng phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Điểm b, khoản 2, Điều 15 sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh, Luật Hóa chất 2007 quy định về yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh người sản xuất, kinh doanh phải: “Có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh”.

Điều 43 Luật Hóa chất 2007 quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo hóa chất với Bộ Công thương; tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải khai báo hóa chất với cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hóa chất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh”.

Theo đó, luật pháp Việt Nam hiện nay không cấm các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh khí cười, nhưng việc sản xuất, kinh doanh phải được đăng ký ngành nghề có điều kiện, có giấy phép kinh doanh và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thủ tục pháp lý cũng như quy định về an toàn.

Lương Lương

Các tin khác