Cụ thể theo nội dung đơn, ông Trương Sỹ Tân là người trực tiếp sử dụng ổn định, trồng trọt, sản xuất trực tiếp trên thửa đất có diện tích khoảng hơn 8.500m2, tại ngã ba Tổng đội thuộc Dốc Vĩnh, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An từ năm 2001, nhưng thời gian gần đây, giữa ông với ông PTT., trú tại đội 2, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã phát sinh tranh chấp.

Ông Trương Sỹ Tân tại mảnh đất bị phá hoại.
“Ông PTT. đã đưa ra sổ giao khoán được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ cấp năm 2011 để chứng minh phần đất này thuộc quyền sử dụng của ông và yêu cầu tôi trả lại đất, nhưng tôi không đồng ý, vì trước đến nay, tôi vẫn sản xuất mía ổn định và không được thông báo việc cấp sổ giao khoán năm 2011”, ông Tân cho biết.
Trước sự việc trên, vào ngày 26/3/2025, UBND xã Giai Xuân đã tiến hành làm việc, hòa giải theo đơn kiến nghị của ông PTT. Tuy nhiên, kết quả hòa giải không thành. Từ thời điểm đó đến nay, ông Tân và ông T. đã nhiều lần gặp mặt trao đổi nhưng chưa đưa đến kết luận thống nhất.
“Vẫn chưa có bất kỳ một Bản án, Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa tôi với ông T. Như vậy đồng nghĩa rằng, tranh chấp giữa tôi với ông T. vẫn chưa được giải quyết, vẫn chưa có quyết định nào buộc tôi phải trả lại đất cho ông Tr”, Ông Tân chia sẻ. Sau đó, ông Tân vẫn tiếp tục chăm bón hoa màu như bình thường. Bất ngờ đến ngày 17/5/2025, ông T đã dùng máy cày phá toàn bộ hoa màu mà mà ông Tân đang trồng tại mảnh đất nói trên.

Hơn 8.500m2 diện tích mía nay chỉ còn trơ trọi một vài gốc.
“Thời điểm đó, tôi không có mặt trên đất nên không thể ngăn cản hay ý kiến được. Đến khi phát hiện, thì toàn bộ hoa màu của tôi trên mảnh đất có diện tích hơn 8.500m2 đã bị phá hoại hoàn toàn. Lúc đó, toàn bộ phần đất này được tôi trồng mía, đã được 05 tháng tuổi, giá trị cây trồng vào khoảng 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng)”, ông Tân bức xúc chia sẻ.
Trước sự việc trên, ông Trương Sỹ Tân đã trình báo với cơ quan chức năng và hiện cơ quan chức năng cũng đã thụ lý theo đúng quy định.
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Lý, thuộc Công ty Luật TNHH Pháp lý và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) phân tích: “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong điều luật này, nhà làm luật nêu rõ hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định".
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Lý, trong mối quan hệ về lý luận chung luật hình sự, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Cụ thể, mỗi nhóm tội phạm xâm hại đến khách thể loại khác nhau nên đối tượng tác động cũng khác nhau. Đối với các tội xâm phạm sở hữu trong đó có tội huỷ hoại tài sản, đối tượng tác động được quy là tài sản. Đó là những tài sản phải có giá trị vật chất. Tài sản là đối tượng tác động của tội huỷ hoại tài sản là vật có giá trị, nhưng toàn bộ hay một phần giá trị đó đã được đầu tư sức lao động của con người. Mặt khác tài sản là đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu trong đó có tội hủy hoại tài sản phải có chủ sở hữu cụ thể với các quy định có tính pháp lý thể hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản đó. Như vậy, từ phân tích điều luật nêu trên áp dụng cụ thể của ông Trương Sỹ Tân, thì cơ quan chức năng đã làm đúng điều luật khi đang từng bước xác minh làm rõ để kết luận khách quan, chính xác sự việc. Luật sư Lý nhấn mạnh.
Công Thiện