/ Pháp luật - Đời sống
/ Bàn về việc nhà báo tác nghiệp tại toà án

Bàn về việc nhà báo tác nghiệp tại toà án

19/06/2024 06:42 |

(LSVN) - Quyền ghi hình, ghi âm của nhà báo tại các phiên tòa cần được tôn trọng. Quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của nhà báo tại các phiên tòa cũng phải được đảm bảo bình đẳng như tại các hoạt động công khác.

Ảnh minh hoạ. 

Bản dự thảo mới của Luật Tổ chức Tòa án mới đây đã điều chỉnh về việc ghi âm và ghi hình tại các phiên tòa. Theo đó, dự thảo không cho phép nhà báo thực hiện việc này trong quá trình xét hỏi và tranh tụng. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa đưa ra được những trường hợp cụ thể chủ tọa được phép không đồng ý cho ghi âm, ghi hình. Sự thay đổi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều do bản thân dự thảo luật còn nhiều điểm chưa rõ ràng và có sự xung đột với các quy định khác.

Cụ thể, theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013, việc tiếp cận thông tin được coi là một quyền của công dân. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế trong những trường hợp đặc biệt và chỉ được thực hiện thông qua việc thi hành các quy định pháp luật. Theo khoản 4 Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải được căn cứ vào các lý do như quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, và sức khỏe của cộng đồng.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rằng tòa án nhân dân phải tiến hành xét xử công khai. Dù vậy, trong những trường hợp đặc biệt mà việc bảo vệ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, hay bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên, cũng như giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể quyết định xử kín. Điều này phản ánh sự cân nhắc giữa quyền công khai và quyền riêng tư trong hệ thống pháp luật.

Lẽ ra, khi phiên toà xét xử công khai thì việc nhà báo thông tin toàn lời nói, hình ảnh đều phải được thể hiện công khai và báo chí có nghĩa vụ truyền đạt thông tin này đến công chúng. Nếu không thuộc trường hợp xét xử không công khai thì việc thông tin tại phiên tòa bao gồm hình ảnh, lời nói cũng là công khai và báo chí có nghĩa vụ truyền tải đến công chúng những thông tin này. Chỉ trừ các trường hợp Hiến pháp quy định, khi cần giữ bí mật hay bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật đời tư thì tòa án mới quyết định xử kín. Khi xử kín sẽ có quy định riêng đối với truyền thông. Còn xử công khai mà không cho ghi âm, ghi hình thì chưa thể đảm bảo tính chất của một phiên toà xét xử công khai.

Có thể việc đặt ra các quy định hạn chế ghi âm, ghi hình phiên toà để đảm bảo tính tôn nghiêm, danh dự cũng như vị thế của những người đại diện cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách khách quan rằng bản thân Luật Báo chí khi được xây dựng và thông qua đã quy định cụ thể báo chí không được phép đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của toà án hay như không được phép lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật (theo quy định tại Điều 9, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 sửa đổi bổ sung 2018). Vì thế, không cần phải quá lo lắng về việc hoạt động của nhà báo có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và thông tin liên quan đến phiên tòa.

Dưới góc độ pháp lý, Hiến pháp 2013 đã đặt ra quy định toà án có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân. Trong khi đó tại sao quyền tác nghiệp của nhà báo, cơ quan báo chí tại phiên toà lại bị phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của thẩm phán chủ toạ phiên toà?. Lẽ ra Toà án cần có trách nhiệm bảo vệ quyền tác nghiệp của cơ quan báo chí cũng như nhà báo khi đưa tin về các phiên toà xét xử công khai.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng quyền ghi hình, ghi âm của nhà báo tại các phiên tòa cần được tôn trọng. Quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của nhà báo tại các phiên tòa cũng phải được đảm bảo bình đẳng như tại các hoạt động công khác. Vì vậy, việc thực hiện và giới hạn các quyền này cần được quy định trong luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Báo chí. Không thể mỗi ngành khi xây dựng luật lại tạo ra những hạn chế hoặc mở rộng quyền tác nghiệp của báo chí được.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. HCM

Thu nhập của cán bộ, công chức sẽ không bị thấp hơn khi cải cách tiền lương

Nguyễn Mỹ Linh