Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu Trung ương được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Thủ đô Hà Nội cùng các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố...
Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, tính đến ngày 30/11, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử, 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng.
Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Trong năm 2021, kinh tế báo chí tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới.
Năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tình trạng các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, trong đó, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời; một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích...
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị cũng dành thời gian nghe đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí, truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; thông tin đầy đủ, kịp thời và sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Ngoài ra, cần quan tâm công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo.
Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.
NHẬT NAM/VGP
Thông cáo báo chí Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2021-2026