/ Tin tức
/ Báo chí và Luật sư song hành cùng phát triển

Báo chí và Luật sư song hành cùng phát triển

18/06/2023 07:40 |

(LSVN) - Trong gần một thế kỷ qua, kể từ ngày Báo Thanh niên – tờ Báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng hành cùng những thành công đó với báo chí, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các cá nhân, tổ chức nói chung và các đội ngũ Luật sư nói riêng.

Ảnh minh họa.

Vai trò của báo chí trong đời sống xã hội

Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Đây được xem là công cụ sắc bén để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia một cách đồng cảm trên mặt trận đấu tranh tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội. Đồng thời, báo chí cũng là cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Báo chí với các chủ đề khác nhau, vì vậy có thể đáp ứng, thoả mãn nhu cầu tin tức của người dân.

Với đặc tính cơ bản của báo chí là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân, giúp cho đông đảo cán bộ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật. Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.

Mối quan hệ với nghề Luật sư

Trong các giai đoạn lịch sử, Luật sư và báo chí luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau để thực hiện các chức năng nhiệm vụ của mình; giữa Luật sư và báo chí cũng có một số những điểm tương đồng. Trong đó, Luật sư cùng những kiến thức pháp luật quý giá song hành cùng báo chí, là công cụ truyền thông tin hiệu quả, là lực lượng quan trọng để thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, giúp phát triển kinh tế cùng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó còn được ghi nhận tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam với Quy tắc 31 và Quy tắc 32.

Đến nay, Luật sư vẫn luôn là bạn đồng hành, đối tác tin cậy của báo chí. Với hơn 17.000 thành viên, nghề Luật sư ở Việt Nam đã thâm nhập, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tính chất đặc thù của nghề Luật sư, người Luật sư có thể cung cấp cho báo chí những thông tin tức thời, thông tin nóng, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời nêu lên những quan điểm, ý kiến, đánh giá về một sự việc dưới góc nhìn pháp lý và đưa ra những kiến nghị, khuyến cáo, góp phần không nhỏ vào công cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Hơn nữa, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người Luật sư được tiếp cận các nguồn thông tin, chứng cứ, tài liệu có tính chất nhạy cảm, riêng tư, bí mật. Người Luật sư có thể cung cấp các thông tin này cho báo chí khi đó không phải là tài liệu mật và việc cung cấp thông tin đó không xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân cùng sự cho phép của các bên liên quan.

Trong xã hội có nhiều nhóm chủ thể cùng nắm giữ nguồn thông tin, nhưng nghề Luật sư dễ dàng cung cấp thông tin cho báo chí hơn so với các ngành nghề khác,… Bởi, quy định nội bộ của các ngành, nghề về chế độ cung cấp thông tin, chế độ phát ngôn, đại diện,…

Chính bản thân người Luật sư, nghề Luật sư với các câu chuyện về uy tín cá nhân, thương hiệu của Luật sư, chuyện nghề, chuyện đời của Luật sư, ứng xử của Luật sư đã là chủ đề có sức thu hút với xã hội và báo chí mong muốn khai thác.

Ngoài ra, báo chí và Luật sư luôn hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ những người yếu thế, góp phần làm sáng tỏ sự thật. Từ trước đến nay, có rất nhiều trường hợp, nhiều người bị chịu oan sai, bị đối xử bất công trong xã hội. Trong những trường hợp này, Luật sư luôn đồng hành cùng những người bị hại, cùng họ chiến đấu để giành lại công bằng. Nhưng đôi khi những làn sóng của dư luận xã hội sẽ giúp cho những người bị đối xử bất công sẽ giành lại được công bằng sớm hơn. Và vì vậy mà báo chí đã cộng hưởng, bằng những bài viết sắc bén của mình để tạo những luồng dư luận giúp cho công việc cho Luật sư trở nên thuận lợi hơn.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Một hiện tượng nguy hiểm

Nguyễn Hoàng Lâm