Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị tập huấn.
Hội nghị được tổ chức nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới cho đội ngũ tập huấn viên, qua đó những người này sẽ tập huấn, bồi dưỡng lại cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí…
Ở Việt Nam, nhiều vụ việc có liên quan đến mâu thuẫn, xung đột ở gia đình và các bên liên quan, trong đó có phụ nữ và nhóm yếu thế như các dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo… thường lựa chọn con đường giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc tìm người có uy tín trong cộng đồng đứng ra giải quyết. Do đó, hòa giải cơ sở có vai trò quan trọng để góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là của phụ nữ khi họ là một trong các bên liên quan của mâu thuẫn và xung đột.
Toàn cảnh Hội nghị.
Khi tiến hành hòa giải các vụ việc, hòa giải viên không chỉ cần có kiến thức pháp luật và kỹ năng về hòa giải mà họ còn cần có sự hiểu biết về giới và bình đẳng giới. Việc nhận thức rõ sự khác nhau trong vai trò, nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích và trải nghiệm giữa phụ nữ và nam giới cũng như những khó khăn của mỗi bên sẽ giúp hòa giải viên đề xuất được giải pháp phù hợp, góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử về giới. Cách tiếp cận từ góc độ giới làm tăng lên hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở và đảm bảo lợi ích công bằng cho các bên góp phần thúc đẩy tính bền vững của kết quả hòa giải thành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nêu rõ vai trò quan trọng của công tác hòa giải cơ sở trong đời sống của người dân. Để tăng cường vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở cũng như thể hiện sâu sắc hơn tính nhân văn của công tác hòa giải thì một trong những nguyên tắc của hoạt động hòa giải cơ sở là phải bảo đảm bình đẳng giới.
“Hoạt động này được hiểu, trong cơ cấu của đội hòa ngũ hòa giải phải có hòa giải nữ, có hiểu biết về giới, bình đẳng giới. Để từ đó, khi tiến hành hoạt động hòa giải, giải quyết tranh chấp cho các bên thì các hòa giải viên phải có ứng xử, lời nói, hành động, cử chỉ… không được động chạm đến vấn đề định kiến giới, phân biệt giới. Từ đó, sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận. Đồng thời, cũng để kết quả hòa giải đạt được tính bền vững, đạt được yêu cầu của pháp luật đặt ra đó là hoạt động hòa giải cơ sở đạt được tính bình đẳng”, ông Lê Vệ Quốc chia sẻ.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật là vấn đề rất khó, chủ yếu dựa vào đội ngũ hòa giải viên. Thế nhưng, đội ngũ này lại không được đào tạo cơ bản như đội ngũ công chức. Họ là những người đại diện cho các cụm, khu dân cư, cộng đồng, có hiểu biết, trình độ văn hóa khác nhau… Do đó, để giúp các hòa giải viên có kiến thức, hiểu biết, hành xử bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải cơ sở thì chương trình tập huấn này có ý nghĩa rất quan trọng.
KIM LONG
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế