Ảnh minh họa.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về kiểm soát thủ tục hành chính và chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia, qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, từng bước đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc cải cách thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Phản ứng chính sách trước yêu cầu thực tiễn xã hội còn chậm, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp.
Đồng thời, công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính.
Đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính, dịch vụ công đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả; hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thực thi 797 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, 627 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và 445 thủ tục hành chính phải phân cấp theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trước mắt, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung xử lý dứt điểm 396 phản ánh, kiến nghị tại mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ.
Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.
Bảo đảm nguồn lực cho công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng trong việc lựa chọn cán bộ, công chức giỏi, đáp ứng yêu cầu công tác ở các cơ quan chuyên môn về làm việc biệt phái hoặc trưng tập tại các đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
PV