Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng ngày 18/4.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ trước UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phạm Đức Long cho rằng: Quan điểm của Luật nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.
Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Lê Quang Huy cho biết: Có 2 loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất là tán thành quy định việc đấu giá quyền sử dụng đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng như trong dự thảo Luật đã thể hiện nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong việc cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ các tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh). Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chưa nên đặt vấn đề đấu giá đối với những băng tần có giá trị thương mại cao, băng tần thông tin di động mặt đất công cộng trong thời điểm hiện nay. Vì các nhà mạng viễn thông di động lớn ở nước ta hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp nhà nước. Các nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng thể hiện quan điểm chưa nên đấu giá.
Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết (bổ sung khoản 4 tại Điều 45), Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết: Có ý kiến tán thành bổ sung chính sách này, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc việc đưa chính sách này vào dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KH, CN&MT nhận thấy, đây là chính sách mới so với quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện hành.
Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn. Đề nghị báo cáo thêm kinh nghiệm quốc tế cụ thể về cho phép phân bổ cùng một tần số, cùng một băng tần vô tuyến điện vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo đánh giá tác động về chính sách mới căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 để làm cơ sở đề xuất việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội là không phù hợp và Nghị quyết này mang tính chất thí điểm. Từ những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT đề nghị trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết: Dự án Luật này sửa đổi không nhiều nhưng rất quan trọng và thận trọng. “Quan điểm là quán triệt, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng, nhất là trong môi trường chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Trước đây băng tần ít người để ý, nhưng sau này khi nhận rõ vấn đề quan trọng của băng tần thì nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm. Cho nên việc sửa đổi Luật này là cấp thiết và quan trọng. Ủy ban KH, CN&MT cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về giải thích từ ngữ; quy định về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; quy định cụ thể một số nội dung cần điều chỉnh, hạn chế phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật…
PV
Đề xuất thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội