/ Pháp luật - Đầu tư
/ Bảo đảm tính khả thi Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM

Bảo đảm tính khả thi Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM

13/05/2022 03:30 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, chiều ngày 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.

Ảnh minh họa. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long qua địa phận: TP. Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km). Dự án nhằm xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng khu vực kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; tạo sự đồng bộ, liên tục nhằm nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển, kết nối thuận lợi giao thông với các tỉnh, thành phố trong Vùng; giảm tải cho hệ thống giao thông hướng tâm của Thủ đô Hà Nội; phát huy hiệu quả đầu tư đối với các Dự án đang triển khai. Ngoài ra, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai; góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn lực để đầu tư phát triển.

Về hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP) và chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Riêng dự án thành phần 3 (đầu tư theo phương thức PPP): hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền, dự kiến thực hiện và hoàn thành năm 2025. Sơ bộ tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án gồm: Ngân sách Trung ương 28.200 tỉ đồng; ngân sách địa phương 28.203 tỉ đồng và vốn BOT 29.410 tỉ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: TP. HCM 47,5km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,8km). Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m và 6 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng cộng 4 lối ra vào đường cao tốc. Dự án được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đối với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy chưa có quy định việc áp dụng kết hợp các hình thức đầu tư nêu tại Tờ trình. Mặt khác, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, trong đó sử dụng 29.410 tỉ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải theo phương thức đối tác công tư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện Hồ sơ Dự án.

Về dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự án đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Cụ thể: Tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỉ đồng (vốn đầu tư công); áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về tiến độ hoàn thành các dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, sẽ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025. Do đó, Chính phủ cần đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục, thỏa đáng những vấn đề được cơ quan thẩm tra chỉ ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán các vấn đề, đặc biệt là nguồn vốn để đảm bảo cân đối được nguồn lực triển khai, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các dự án; khi trình ra Quốc hội đạt sự thống nhất, đồng thuận cao...

PV

Thẩm quyền luân chuyển cán bộ theo quy định mới nhất

Nguyễn Mỹ Linh