Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý theo yêu cầu của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

06/08/2020 16:56 | 3 năm trước

Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.

Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, bối cảnh quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp. Thế giới trở nên đa cực hơn, chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ và có lúc cực đoan hơn, trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí, nó còn xuất hiện ở những quốc gia vốn có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam thuộc nhóm nước vẫn kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà kết quả rõ rệt nhất là việc chúng ta đã gia nhập và ký kết 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đối với Hiệp định EVFTA, điều rất đặc biệt với chúng ta đó là, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu, từ đó, giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao, đòi hỏi nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, là một trong những nội dung mà các quốc gia thành viên phải thực thi.

Bởi vậy, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp.

Yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý của Hiệp định EVFTA

Hiệp định EVFTA có cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 08 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng). Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.

Chỉ dẫn địa lý là đối tượng sở hữu trí tuệ mà EU đặc biệt quan tâm do khối này có khá nhiều các sản phẩm được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy, trong Hiệp định EVFTA, cam kết về chỉ dẫn địa lý cũng thể hiện rõ sự quan tâm này, với các cam kết khá đặc thù.

Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định EVFTA chỉ áp dụng đối với bốn nhóm sản phẩm: (i) Rượu vang; (ii) Đồ uống có cồn; (iii) Nông sản; (iv) Thực phẩm. Trên thực tế, thì bốn nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý[1].

Về cơ chế bảo hộ, tuy không đề cập trực tiếp, nhưng Hiệp định EVFTA yêu cầu việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, độc lập với nhãn hiệu thông qua cam kết về quy trình công nhận chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, hiện cả Liên minh châu Âu và Việt Nam đều bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo một cơ chế riêng, độc lập với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, trong khi Hoa Kỳ và một số nước lại bảo hộ chỉ dẫn địa lý như là một loại của nhãn hiệu, theo cơ chế bảo hộ chung của nhãn hiệu. Vì vậy, cam kết về vấn đề này thực chất là để ràng buộc Việt Nam trong các cam kết, đàm phán sau này liên quan tới chỉ dẫn địa lý với các đối tác khác.

Về mối quan hệ với nhãn hiệu, Hiệp định EVFTA ghi nhận quyền được bảo hộ của các nhãn hiệu dù có tên gọi giống với chỉ dẫn địa lý nhưng đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực hoặc trước ngày đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền.

Về các trường hợp được bảo hộ đương nhiên, Chương 12 của Hiệp định EVFTA có 02 Phụ lục GI-I và GI-II, trong đó liệt kê 171 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ) mà hai bên cam kết bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… của quy trình thông thường. Theo cam kết tại Hiệp định, danh mục các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đương nhiên này có thể được rà soát lại bởi Nhóm công tác về sở hữu trí tuệ (trong đó có chỉ dẫn địa lý).

Hiệp định EVFTA thậm chí còn có các quy tắc bảo hộ riêng đối với các chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm được liệt kê này (ví dụ chủ thể quyền phải được phép ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ nước xuất xứ được liệt kê, ngăn cản việc sử dụng các thiết kế hoặc trình bày theo bất kỳ cách nào khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó…).

Về cơ chế đăng ký và bảo hộ thông thường, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Liên minh châu Âu phải thiết lập cơ chế đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho ít nhất là bốn nhóm đối tượng thuộc diện điều chỉnh (rượu, đồ uống có cồn, nông sản, thực phẩm) bảo đảm các yêu cầu:

- Phải có một hệ thống đăng ký liệt kê rõ các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ trên lãnh thổ của mình;

- Quy trình thẩm định hành chính để đưa hoặc duy trì một chỉ dẫn địa lý trên hệ thống đăng ký phải cho phép xác định được một sản phẩm có xuất xứ tại một khu vực địa lý nhất định và có chất lượng, uy tín, đặc điểm đặc thù chủ yếu nhờ vào việc sản phảm có xuất xứ từ khu vực địa lý đó;

- Phải có quy trình cho phép các tổ chức, cá nhân có lợi ích liên quan được lên tiếng phản đối và được lắng nghe;

- Phải có quy trình cho phép điều chỉnh, hoặc đưa ra khỏi hệ thống đăng ký sau khi cân nhắc các ý kiến phản đối của các bên có lợi ích cũng như ý kiến phản biện của chủ thể quyền.

Về những cam kết thực thi, Hiệp định EVFTA yêu cầu Việt Nam và Liên minh châu Âu phải có cơ chế pháp lý cho phép ngăn chặn việc sản xuất, đóng gói, mua bán, quảng cáo sai, lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm về nguồn gốc của thực phẩm, đồng thời cũng nhấn mạnh các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng liên quan theo pháp luật nước sở tại.

- Đối với các biện pháp thực thi dân sự, Hiệp định EVFTA có một số cam kết mới đáng chú ý so với pháp luật hiện hành của Việt Nam, cụ thể là:

(i) Các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm: Hiệp định EVFTA đòi hỏi phải cho chủ thể quyền có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này vào bất kỳ thời điểm nào (chứ không chỉ là khi hoặc sau khi đã khởi kiện vụ việc dân sự tại Tòa án) và mở rộng các tình huống cho phép yêu cầu biện pháp tạm thời (thay vì chỉ hai tình huống như pháp luật Việt Nam quy định hiện nay);

(ii) Nghĩa vụ cung cấp thông tin: Hiệp định EVFTA có quy định cụ thể về các trường hợp Tòa án được quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin về hành vi vi phạm trong vụ việc đang xem xét (trong khi pháp luật Việt Nam cho Tòa án quyền yêu cầu không hạn chế); Hiệp định EVFTA mở rộng phạm vi các đối tượng phải cung cấp thông tin cho Tòa án theo yêu cầu của Tòa (theo pháp luật Việt Nam thì hiện Tòa chỉ có quyền yêu cầu bên đương sự cung cấp thông tin);

(iii) Thẩm quyền của Tòa án: Hiệp định EVFTA quy định Tòa án có quyền ra lệnh cấm, thu giữ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ đối với không chỉ các chủ thể vi phạm (như pháp luật Việt Nam hiện nay đang quy định), mà còn cả đối với các chủ thể làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lý hàng hóa vi phạm mà không phải là chủ thể vi phạm; Hiệp định EVFTA còn quy định Tòa án được quyền ra các lệnh cấm đối với các hành vi vi phạm tương tự sau đó (trong khi theo pháp luật Việt Nam hiện hành, thì Tòa án sẽ phải xét xử lại các hành vi này rồi mới được áp dụng lệnh cưỡng chế);

(iv) Về các biện pháp xử lý thay thế: Hiệp định EVFTA khuyến nghị Việt Nam cho phép áp dụng biện pháp bồi thường bằng tiền để thay thế cho các biện pháp khắc phục khác;

(v) Việc xác định thiệt hại làm cơ sở để bồi thường: Hiệp định EVFTA yêu cầu Việt Nam phải phân biệt cách xác định thiệt hại trong trường hợp người vi phạm biết hoặc có cơ sở để biết về việc mình đang vi phạm và trường hợp người vi phạm không biết rằng mình đang vi phạm (hiện Việt Nam chưa phân biệt hai trường hợp này);

(vi) Nguyên tắc suy đoán chủ thể quyền tác giả trong tố tụng về sở hữu trí tuệ: Hiệp định EVFTA đặt ra quy tắc về suy đoán quyền, theo đó, trừ khi có chứng cứ ngược lại, người có tên trên tác phẩm sẽ được suy đoán là tác giả;

- Đối với các biện pháp thực thi tại biên giới, Hiệp định EVFTA có cam kết mới đáng chú ý liên quan tới sự tham gia của cơ quan hải quan trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. Cụ thể, Hiệp định EVFTA yêu cầu cơ quan hải quan phải tham gia tích cực, hợp tác với chủ thể quyền để thực hiện thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới (trong khi hiện Việt Nam mới chỉ quy định theo chiều ngược lại, rằng chủ thể quyền có thể tham gia cùng cơ quan hải quan, còn cơ quan này vẫn chủ động thực hiện việc của mình)[2].

Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (trong đó có chỉ dẫn địa lý) ở Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thi hành

Ở nước ta hiện nay, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thực tế cho thấy, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư và là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Để cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trước hết, chúng ta cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ và năng lực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; tiếp tục tận dụng hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ...

Các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.

Đáng chú ý, các cam kết của Hiệp định EVFTA cao hơn các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan... Đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.

Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

Với Hiệp định EVFTA, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao. Điều này sẽ tạo điều kiện cho một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn hoặc khác biệt so với quy định trong pháp luật Việt Nam. Ví dụ như vấn đề bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; quy định về chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu hay đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ thủ tục cấp phép... Các quy định này đang được nghiên cứu để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2021.

NGUYỄN THÚY HẰNG
NCS. Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM
(TC DC&PL)
_____________________
[1]. Chương 12 - Sở hữu trí tuệ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Tài liệu của Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
[2]. Chương 12 - Sở hữu trí tuệ, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Tài liệu của Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
/thu-tuong-xe-tai-hay-xe-khach-dai-bang-hay-chim-se-se-cung-di-cung-bay-tren-cao-toc-evfta.html