Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 6-8m; biển động dữ dội.
Sáng sớm 08/11/2024, bão YINXING đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo, đến 13 giờ ngày 09/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 - 20 km/giờ, vị trí bão tại 18,6N-114,8E; trên khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hoàng Sa khoảng 420 km về phía Đông Bắc, cường độ bão mạnh cấp 13 - 14, giật cấp 17, vùng nguy hiểm là vĩ tuyến 16,0N-21,0N; phía Đông kinh tuyến 113,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển đảo Hoàng Sa); riêng phía Đông cấp 4.
Đến 13 giờ ngày 10/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km/giờ, suy yếu dần, vị trí bão tại 18,3N-112,1E; cách đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Bắc, cường độ bão mạnh cấp 13, giật cấp 16, khu vực nguy hiểm là vĩ tuyến 16,0N-21,5N; kinh tuyến 110,5E-116,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển đảo Hoàng Sa) là khu vực chịu ảnh hưởng.
Dự báo, đến 13 giờ ngày 11/11, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 5 - 10 km/giờ, suy yếu thêm, vị trí bão tại 17,1N-110,4E; cách đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía Tây Bắc, cường độ bão mạnh cấp 9, giật cấp 13, vùng nguy hiểm vĩ tuyến 16,0N-21,0N; kinh tuyến 108,5E-115,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển đảo Hoàng Sa) là khu vực chịu ảnh hưởng.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 14, giật cấp 17, sóng biển cao 4 - 6 m, vùng gần tâm 6 - 8 m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 07/11/2024 chỉ đạo ứng phó bão bão số 7. Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến thực tế bão, lũ tại địa phương, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ nhân dân, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến của bão để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ khi có yêu cầu của địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn các hoạt động dầu khí trên biển, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác ứng phó bão, lũ theo nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công; bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đê điều, hồ đập; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.