Ảnh minh họa.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học theo khoản 7, Điều 4, Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung 2009.
Trong đó, bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt và được Nhà nước dành ngân sách thích đáng để mua bảo vật quốc gia căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 42, Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung 2009.
Đối với quy định tại Điều 43, Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung 2009, thì bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của Nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong bảo tàng và không được mua bán, tặng cho. Đối với bảo vật quốc gia thuộc hình thức sở hữu khác thì chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định này, ngoài Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, thì các hình thức sở hữu khác như tư nhân vẫn có quyền sở hữu bảo vật quốc gia và phải tuân theo quy định pháp luật trong việc mua bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ở trong nước đối với những bảo vật quốc gia này.
TRẦN QUÝ
ChatGPT: Nhiều thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng