Bảo vệ quyền về môi trường

20/07/2019 21:28 | 5 năm trước

LSVNO - Quyền về môi trường (environmental rights) là vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn nóng bỏng đang được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiến pháp Việt Nam năm...

LSVNO - Quyền về môi trường (environmental rights) là vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn nóng bỏng đang được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định quyền con người về môi trường, tại Điều 43 xác định: “Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành”.

Có nhiều thuật ngữ pháp lý cùng loại và tương tự “quyền về môi trường” đang được sử dụng, chẳng hạn như “quyền con người đối với môi trường”, “quyền đối với môi trường”, “quyền được sống trong môi trường trong lành”...

Phát triển các tư tưởng nhân quyền trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế, hai văn kiện quan trọng nhất liên quan đến quyền về môi trường cho đến nay là Tuyên bố Stockhom, 1972 (Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường con người) và Tuyên bố Rio de Janeiro, 1992 (Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển).

Quyền về môi trường đã được ghi nhận trong Hiến chương Quyền con người và các dân tộc châu Phi năm 1981 (Điều 24); Nghị định thư San Sanvador của Công ước châu Mỹ về quyền con người năm 1988 (Điều 11); Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN năm 2012 (đoạn 28).

Tòa án Nhân quyền châu Âu, Ủy ban Nhân quyền và Tòa án Nhân quyền liên Mỹ đều đã có những phán quyết liên quan đến các vấn đề quyền về môi trường, xem xét từ góc độ các quyền và tự do cơ bản của con người, trở thành các án lệ quan trọng cho khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Không chỉ ở Việt Nam mà hầu khắp các quốc gia trên thế giới đã có các điều khoản quy định về môi trường trong hiến pháp, không chỉ quy định về quyền con người mà còn quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà nước và các chủ thể khác trong việc bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền về môi trường.

Tính đến năm 2011, đã có 147 quốc gia có các quy định quyền về môi trường trong lành trong hiến pháp (theo David R.Boyd, The environmental rights revolution: A global study on constitutions, human rights, and the environment, UCB Press, 2012, trang 76), cho đến nay con số này chắc chắn phải lớn hơn nhiều, nếu không nói rằng tất cả các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới đều quan tâm luật hóa quyền này.

Trong lịch sử chưa có quyền con người nào được công nhận một cách rộng rãi trong các hiến pháp một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn như quyền về môi trường.

Cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ, nhà khoa học nữ Hoa Kỳ Rachel Carson, trong cuốn “Mùa xuân im lặng” (Silent Spring, 1962) - tác phẩm được coi là khởi xướng phong trào bảo vệ môi trường toàn cầu - đã nhắc đến sự thiếu vắng trong danh mục các quyền con người được bảo vệ bởi Hiến pháp Hoa Kỳ “những bảo đảm đối với công dân trước những chất độc hại chết người gây ra bởi các cá nhân và công chức”, nhưng đến nay khoảng “thiếu vắng” đó dường như đã được lấp đầy trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới.

Ngày 25 tháng 6 năm 1998, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt nam ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững”.

Đây được xem là một trong bốn quan điểm cơ bản được thể hiện trong Chỉ thị 36/1998/CT-TW. Bảo vệ môi trường và quyền về môi trường được đề cập trong một số điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, vì vậy, việc thực hiện những hoạt động bảo vệ quyền về môi trường ở Việt Nam không chỉ là một yếu tố phát triển bền vững mà đồng thời cũng là một nghĩa vụ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Là một trong những quốc gia được xác định là có nhiều thiên tai và nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên bảo vệ môi trường và quyền về môi trường cũng là những vấn đề đặt ra có tính chất đặc biệt cấp thiết ở Việt Nam.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khung pháp luật của Việt Nam về bảo vệ môi trường và quyền về môi trường đã được củng cố một cách đáng kể. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên hiến định quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người.

Tuy nhiên, ý thức về bảo vệ môi trường, nhận thức về quyền về môi trường của các cơ quan nhà nước, của các nhà lãnh đạo, quản lý, của các nhà hoạch định chính sách, của doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ, các quyền về môi trường hầu hết chưa được bảo đảm một cách hiệu quả trên thực tế.

Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó khung pháp luật hiện hành của nước ta về bảo vệ môi trường và quyền về môi trường vẫn còn những bất cập, hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện; việc bảo vệ môi trường và bảo đảm quyền về môi trường lại càng có nhiều yếu kém, bất cập.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành năm 2014 có nhiều điểm mới, trong đó có 9 điểm mới nổi bật:

Một là, Luật quy định trách nhiệm các nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Hai là, Luật quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức xả rác ra môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường. Mức phí bảo vệ môi trường được căn cứ trên khối lượng chất thải, độ độc hại của chất thải và sức chịu tải của môi trường nơi tiếp nhận chất thải.

Căn cứ vào đó, Nghị định 154/2016/NĐ-CP quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tính theo nguyên tắc: 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng;

Ba là, khoản 8 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có những biện pháp hạn chế tiếng ồn, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đưa ra mức phạt lên đến 160 triệu đồng với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau thì bị phạt đến 300 nghìn đồng.

Bốn là, phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại. Mục 2 Luật Bảo vệ môi trường quy định chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại.

Năm là, Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung.

Thông tư  31/2016/TT-BTNMT quy định trách nhiệm của chủ đầu tư không được mở rộng cụm công nghiệp, không được tiếp nhận thêm dự án đầu tư vào cụm công nghiệp nếu cụm công nghiệp chưa có công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; diện tích cây xanh tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích cụm công nghiệp; phải trang bị đồng hồ đo lưu lượng nước, công tơ điện tử độc lập; điểm xả thải có biển báo…

Lưu lượng nước thải của hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục..

Sáu là, kéo dài thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực môi trường. Khoản 3 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường quy định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ khi nạn nhân phát hiện ra thiệt hại của mình do hành vi vi phạm pháp luật môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Người bị thiệt hại sau khi nhận biết hậu quả của hành vi vi phạm tác động đến mình có thời hạn 3 năm để yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc, đòi bồi thường thiệt hại (trước đây là 2 năm).

Bảy là, chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Luật quy định các điều kiện cá nhân, tổ chức được phép nhập khẩu phế liệu. Điểm a khoản 3 Điều 76 quy định cá nhân, tổ chức chỉ được nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.

Tám là, Luật mở rộng đối tượng có hành vi bị nghiêm cấm đối với chủ thể là đại diện Nhà nước trong quản lý môi trường: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định...”. Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội danh này có thể bị phạt tù tới 15 năm.

Chín là, công khai thông tin cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mục 1 Chương X Luật Bảo vệ môi trường quy định việc công khai xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và thời hạn thực hiện để công khai theo dõi tiếp tục.

Có thể thấy, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới Luật đã thể hiện rõ sự quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ môi trường và có nhiều quy định rất mới, rất có ý nghĩa cho phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn chung Luật vẫn nghiêng về thuận tiện cho quản lý và bảo vệ môi trường mà chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến quyền con người về môi trường, quyền được “sống trong môi trường trong lành” như quy định tại Điều 43 Hiến pháp 2013, mặc dù khoản 2 Điều 4 Luật này cũng đã xác định rằng: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”.

Mặt khác, tính khả thi của Luật và các văn bản dưới Luật, tổ chức thực hiện Luật cũng còn nhiều vấn đề. Luật Bảo vệ môi trường đã ban hành 5 năm qua chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Vấn đề môi trường 5 năm qua của Việt Nam không những chưa được cải thiện mà có nhiều biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Nói chung các văn bản luật của Việt Nam hầu như chưa được xây dựng bằng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền (human rights-based approach) nên tính khả thi và hiệu lực chưa cao, chưa thực sự có tính thuyết phục.

Trong tác động tiêu cực của kinh tế thị trường có vấn đề hủy hoại môi trường, nếu cứ tiếp diễn tình trạng doanh nghiệp thì cố tình vi phạm, chính quyền thì vô cảm, đoàn thể thì thờ ơ, dân chúng quay lưng trước những vấn nạn về ô nhiễm môi trường và tàn phá môi trường thì khó có thể thực hiện được quyền được sống trong môi trường trong lành và cũng không thể có được phát triển bền vững như mong đợi.

Trong báo cáo đầu tiên gửi đến Đại hội đồng Liên hợp quốc (năm 2018), Báo cáo viên đặc biệt về chất thải, môi trường và quyền con người đã làm rõ mối quan hệ giữa môi trường với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhấn mạnh sự cần thiết có khuôn khổ toàn cầu tốt hơn để bảo vệ sức khỏe con người trước môi trường độc hại và đưa ra một loạt các khuyến nghị về khuôn khổ sau năm 2020 phải đạt được nhằm củng cố năng lực của cộng đồng quốc tế bảo vệ quyền con người.

Trong phần minh họa, Báo cáo viên đã nêu các chủ đề về ô nhiễm không khí (tại Hàn Quốc, Anh), ô nhiễm đất (Kosovo), ô nhiễm nước (Hà Tĩnh, Việt Nam do ảnh hưởng của Nhà máy thép Formosa), sản xuất nông nghiệp (sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất tại Zimbabwe, Sierra Leone), công nghiệp khai khoáng, công nghiệp hóa chất (các vụ nổ nhà máy hóa chất tại Trung Quốc, Ấn Độ...), phóng xạ hạt nhân (Kazakhstan và Fukushima, Nhật Bản), chất thải...

Đoạn 40 của Báo cáo này, Báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh việc đã đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan đến việc ô nhiễm nước từ Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh vào tháng 4 năm 2016 đang tiếp tục tiếp diễn tại Việt Nam, việc xả thải ô nhiễm đã giết chết một lượng lớn cá, ảnh hưởng đến sinh kế của dân cư địa phương và cảnh báo đến nhiều công trình đầu tư trên tất cả các lĩnh vực và các vùng miền, trong nhiều dự án tương tự tại Việt Nam. 

Rất đáng ghi nhận là Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc đã đề xuất được một khuôn khổ pháp lý về “bảo vệ, tôn trọng và khắc phục” vi phạm quyền con người về môi trường, đề cập đến ba vấn đề mang tính trụ cột: 1) nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo vệ để bên thứ ba không vi phạm quyền về môi trường; 2) nghĩa vụ tôn trọng quyền về môi trường của doanh nghiệp; và 3) tạo điều kiện để nạn nhân của các vụ vi phạm quyền con người về môi trường do doanh nghiệp gây nên được tiếp cận với các cơ chế khắc phục, bồi thường hữu hiệu.

Môi trường vừa là không gian sống vừa là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên để con người khai thác và sử dụng, cần phải được giữ gìn, bảo quản và không ngừng cải thiện như chính bản thân cuộc sống của cộng đồng và của từng người.

Bảo vệ quyền về môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, là quyền con người đồng thời là trách nhiệm của nhà nước với ba nội dung chính: trách nhiệm tôn trọng, trách nhiệm bảo vệ và trách nhiệm bảo đảm thực hiện.

Cách tiếp cận về sự phát triển hiện nay là không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường; phải bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa ba yếu tố kinh tế - môi trường - xã hội. Đây là cốt lõi của lý luận tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang được quốc tế và Việt Nam hướng tới.

Hy vọng rằng đó không phải là khẩu hiệu có tính kêu gọi mà phải là khẩu hiệu hành động, không phải là chủ trương chính trị xa xỉ mà là vấn đề pháp lý, không chỉ là công cụ tuyên truyền và động viên mà là vấn đề sống còn, là mệnh lệnh cuộc sống. 

PGS. TS. LS. Chu Hồng Thanh