(LSVN) -Ngày 10/12, tức thứ 5 tuần tới, NANOGEN đã phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Thông tin của Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó 3 đơn vị là IVAC, VABIOTECH, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật.
Riêng Công ty NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Tại cuộc họp các chuyên gia và các nhà sản xuất đã cùng thảo luận về tiến độ thực hiện các dự án sản xuất vắc xin cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; những giải pháp cho giai đoạn tới.
Lắng nghe các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, phát biểu kết luận cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19.
Bộ Y tế đã chủ động thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi, đàm phán với các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận được nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng chống dịch trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất vaccine trong nước đẩy nhanh tiến độ để sớm tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Theo đó, ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
"Sau đó 1 tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Song song đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Chúng ta cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm.
Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Đối với đơn vị sản xuất còn lại là POLIVAC, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đơn vị tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 đồng thời tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để có thể tiếp cận với vaccine của các quốc gia này.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương thúc đẩy quá trình sản xuất vaccine trong nước và đàm phán, thống nhất với các đơn vị sản xuất vaccine từ nước ngoài, để Việt Nam sớm có được vaccine Covid-19.
Hiện nay, trên thế giới, vaccine Covid-19 đang được triển khai mạnh mẽ để phòng ngừa đại dịch bùng phát. Cụ thể, Nga đã cho phát triển vaccine ngừa Covid-19 Sputnik -V, vào ngày 5/12 vừa qua thủ đô Moscow cũng đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nhóm rủi ro cao, gồm: các bác sỹ, giáo viên thuộc mọi hình thức sở hữu, các nhân viên trong các tổ chức xã hội của thành phố. Việc tiêm vaccine trên hoàn toàn miễn phí và được thực hiện ở 70 phòng khám đa khoa của thành phố, mở cửa từ 8h đến 20h, hàng ngày.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có khoảng 200 nhà sản xuất vaccine khắp thế giới tham gia vào việc phát triển vaccine ngừa Covid-19, trong đó Anh, Đức, Mỹ đều đã hứa hẹn chuẩn bị tung vaccine ra thị trường nội địa, Nga đã cho ra thị trường vaccine ngừa Covid-19 Sputnik -V và đã tiến hành chương trình tiêm vaccine. Tại Việt Nam, một quan chức có trách nhiệm cho biết nếu suôn sẻ, cuối năm 2021 vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam sẽ hoàn tất tất cả các khâu nghiên cứu, sản xuất.
Ở thời điểm này, đây là vaccine có thời gian nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử sản xuất vaccine ở Việt Nam.
TRẦN MINH