Nhân tố bất ngờ phản đối Kháng nghị Giám đốc thẩm
Mới đây (29/6), Công ty TNHH SX-TM Thiên Phú (là Nguyên đơn, bên có quyền lợi và nghĩa vụ trong vụ án Hòa Lân), đã có đơn gửi các cơ quan báo chí, truyền thông… để thông tin về việc doanh nghiệp này đề nghị không chấp nhận Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đối với Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh.
Theo Công ty Thiên Phú, tất cả các đương sự trong Bản án số 264 là những người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đều không có văn bản kiến nghị đối với việc kháng nghị Giám đốc thẩm Bản án số 264, nhưng VKSND Cấp cao TP. Hồ Chí Minh lại căn cứ Văn bản số 178/2021/CV-KTCKVN ngày 20/4/2021 của một tờ Tạp chí điện tử (là đơn vị không có quyền lợi, không liên quan gì đến các phần quyết định trong các bản án nói trên) để kháng nghị Giám đốc thẩm Bản án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong các bản án.
Theo Công ty thiên Phú, từ năm 2003 đến năm 2007 doanh nghiệp này thế chấp dự án khu Dân cư Hòa Lân để vay vốn Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng không có khả năng trả nợ, dó đó đã ký giao tài sản thế chấp để ngân hàng bán đấu giá xử lý thu hồi nợ.
Thời điểm đó, hiện trạng tài sản thẩm định là khu đất trống, mặt bằng nham nhở, không có đường giao thông, không có sơ sở hạ tầng khác nên không xác định giá cho từng vị trí được.
Mặc dù công ty đã nỗ lực chào mời, nhưng trong suốt thời gian dài, trải qua 12 lần thông báo đấu giá công khai, liên tục nhưng không có khách hàng nào có khả năng, năng lực tài chính để nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá. Phải đến lần thông báo bán đấu giá tài sản lần thứ 13 ngày 27/3/2017 mới có 03 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá, gồm: Công ty CP PT nhà Thủ Đức, Công ty XD A Đông Hải (sau đổi tên thành Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh) và Công ty CP ĐT Thái Bình.
Ngày 25/5/2017 phiên đấu giá được tổ chức tại trụ sở công ty Thiên phú. Sau 14 vòng trả giá mới xác định được người trúng đấu giá là Công ty XD A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh) với giá đã trả cao nhất là 1.353 tỉ đồng (tăng 390 tỉ đồng só với giá khởi điểm).
Trong suốt 02 năm, Thiên Phú và Ngân hàng đã theo dõi, giám sát việc bán đấu giá tài sản nói trên, Công ty Đấu giá Nam Sài Gòn đã thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trong hồ sơ bán đấu giá nói rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể giúp cho khách hàng không bị động, bất ngờ, từ đó đã chủ động được mọi hành vi của mình khi đăng ký tham gia đấu giá.
Trong đơn, Công ty Thiên Phú khẳng định, sau khi phiên bán đấu giá thành kết thúc khoảng hơn 01 năm, do sự suy nghĩ chưa thấu đáo, nhìn nhận vụ việc một chiều và bị áp lực rất lớn từ một số người muốn thâu tóm dự án Hòa Lân bằng mọi giá, việc cạnh tranh trong giới kinh doanh bất động sản không lành mạnh..., nên ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú thời điểm đó đã bị ép buộc phải ủy quyền, ký gửi đơn thư tố cáo Công ty Đấu giá đến Thanh tra Bộ Tư pháp về việc bán đấu giá tài sản.
Ngày 24/12/2018 Thanh tra Bộ Tư pháp có Kết luận thanh tra số 62/KL-TTR, đã kết luận các nội dung tố cáo của Công ty Thiên Phú đều không có cơ sở. Sau khi có kết luận thanh tra nhóm người trên không đạt mục đích nên tiếp tục khởi kiện Công ty Đấu giá ra TAND quận 7.
Tháng 11/2020 TAND quận 7 có Bản án sơ thẩm số 99 và tháng 03/2021 TAND TP. Hồ Chí Minh có Bản án phúc thẩm số 264 đều không chấp nhận toàn bộ nội dung trong đơn khởi kiện của Công ty Thiên phú.
Mọi việc tưởng chừng đã kết thúc, tuy nhiên đến ngày 22/6/2021 VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại có bản kháng nghị với nội dung tương tự như đơn khởi kiện của Công ty Thiên phú.
Cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ động cơ của Tạp chí
Theo nội dung của Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 174/QĐKNGĐT- VKS-KDTM của Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ban hành ngày 22/6/2021, cơ quan này kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 99/KDTM-ST ngày 12/11/2020 của TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 264/2021/KDTM-PT ngày 24/3/2021 của TAND TP. Hồ Chí Minh; Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử Giám đốc thẩm theo hướng hủy 02 bản án nêu trên, để giải quyết lại; tạm đình chỉ thi hành án đối với 02 bản án này cho đến khi có quyết định Giám đốc thẩm...
Đặc biệt, điều khiến người ta “ngã ngửa đến bất ngờ”, là kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh lại căn cứ vào đơn đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm của một tờ Tạp chí điện tử, Tạp chí này không phải là đương sự của vụ kiện, không liên quan gì đến vụ án, mà Công ty TNHH Thiên Phú mới là nguyên đơn.
Theo Công ty Thiên phú (nguyên đơn), chủ đầu tư dự án KDC Hòa Lân) không trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác, việc công ty đã ký biên bản bàn giao, giao toàn bộ tài sản thế chấp là 490.765,1 m2 đất của dự án cho Ngân hàng bán đấu giá thu hồi nợ theo quy định của pháp luật Ngân hàng, pháp luật về giao dịch bảo đảm và pháp luật đất đai là hoàn toàn phù hợp, do vậy không cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Diện tích đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để Công ty Thiên Phú khi thực hiện dự án phải làm cơ sở hạ tầng giao thông, công trình công cộng và đất trồng cây xanh phục vụ cho công tác an sinh, xã hội sau này cho toàn bộ khu Dân cư Hòa Lân là do Công ty Thiên phú quản lý, sử dụng và không thể tách rời khỏi dự án khu Dân cư Hòa Lân, trong trường hợp UBND tỉnh Bình Dương có quyết định giao đất riêng biệt, tách rời nằm ngoài dự án mà không thu tiền sử dụng đất thì công ty mới không được thế chấp và chuyển nhượng Quyền sử dụng đất này.
Sau khi phiên bán đấu giá thành ngày 25/5/2017, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư cũ Công ty Thiên Phú đã chủ động phối hợp với Công ty Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh cùng các bên có liên quan từng bước thực hiện những công việc cho quá trình triển khai dự án.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện đã phát sinh rất nhiều trở ngại về pháp lý, những khó khăn, vướng mắc, do vậy các bên đã thống nhất giãn thời gian thanh toán cho bên trúng đấu giá là hoàn toàn phù hợp và trong trường hợp người khác trúng đấu giá thì các bên cũng sẽ áp dụng tương tự, với việc giãn thời gian thanh toán nhưng Công ty Kim Oanh vẫn phải chịu phạt cho thời gian giãn thanh toán này là 8,5%/năm. Việc giãn thời gian thanh toán không làm ảnh hưởng đến lợi ích của Công ty Thiên Phú.
Công ty Thiên Phú cũng khẳng định, việc khiếu kiện nói trên diễn ra từ giữa năm 2018 đến nay là do người đại diện theo pháp luật của công ty bị xúi dục, ép buộc thực hiện vô căn cứ. Sau đó được các cơ quan có thẩm quyền mất rất nhiều thời gian, công sức giải quyết, nhưng cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Vụ việc đã được các cơ quan Nhà nước giải quyết thấu đáo, có lý, có tình phù hợp với quy định pháp luật, do vậy các đương sự đều thống nhất không có bất kỳ khiếu nại, kiến nghị nào đối với những kết luận, phán quyết của Cơ quan, Tòa án có thẩm quyền.
“Tuy nhiên, ngày 22/6/2021 VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh rất nhanh chóng, khẩn trương, mau lẹ căn cứ vào văn bản của một tổ chức không có bất kỳ quyền lợi liên quan nào đến vụ việc để kháng nghị 02 Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Toàn bộ nội dung kháng nghị đều được thể hiện từ nội dung đơn thư khiếu kiện trước đây và đã được các cơ quan giải quyết, nên đã trực tiếp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, gây tiền lệ xấu, các hậu quả hệ lụy bất lợi đến việc xử lý thu hồi nợ xấu của Ngân hàng, đặc biệt là các bên mua được tài sản từ việc xử lý nợ xấu này”, đơn Công ty Thiên Phú nêu.
Dự án khu Dân cư Hòa Lân đã bị đình trệ không triển khai được từ năm 2007 đến nay, sau thời gian rất dài mới có người trúng đấu giá Quyền sử dụng đất để triển khai dự án làm thay đổi tích cực cho việc phát triển quy hoạch, cũng như bộ mặt đô thị tại cửa ngõ tỉnh Bình Dương góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong bối cảnh dịch bệnh còn rất nan giải và phức tạp này, nhưng đang có nguy cơ bị ách tắc, vướng mắc không đáng có do Quyết định kháng nghị nói trên của VKSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ những căn cứ thực tế nêu trên, với tư cách là Nguyên đơn trong vụ án và cũng là người trong cuộc rất thấu hiểu toàn bộ nội tình của vụ án “Bất đắc dĩ này”, Công ty Thiên phú đề nghị VKSND Cấp cao, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét rút toàn bộ kháng nghị hoặc không chấp nhận Quyết định kháng nghị nói trên theo quy định pháp luật đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Cần phải nói rõ rằng vụ án này đã được kéo dài suốt nhiều năm trời, mọi pháp lý liên quan đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương tham gia giải quyết, thậm chí được Tòa án xét xử phúc thẩm tuyên Công ty KimOanh thắng kiện, các bên cũng đã hòa giải và rút đơn khởi kiện, đơn kháng cáo.
Sau khi tham gia đấu giá thành công Dự án Hòa Lân, Công ty Kim Oanh đã giúp ngân hàng giải quyết nợ xấu, thu hồi tài sản cho Nhà nước, tuy nhiên do lãnh đạo Công ty Thiên Phú thời điểm đó bị áp lực rất lớn từ một số người muốn thâu tóm dự án Hòa Lân bằng mọi giá, việc cạnh tranh trong giới kinh doanh bất động sản không lành mạnh... nên đã gây nên vụ kiện tụng kéo dài, làm cho Công ty Kim Oanh điêu đứng.
Sự việc đã tưởng chừng đến hồi kết, tuy nhiên, sự việc một tờ Tạp chí không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lại có đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với 02 bản án, và sau đó được VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cấp tốc “chấp thuận” đã khiến không ít người “ngỡ ngàng, ngơ ngác đến bật ngửa”, do đó trong vụ việc có rất nhiều bất thường cần được Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc một lần nữa để làm rõ trắng, đen vụ việc.
Nhóm PV
Vì sao vụ án buôn bán và làm giả nhãn hiệu sơn KOVA vẫn chưa có kết quả điều tra?