/ Tin tức
/ Bế mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bế mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

26/04/2022 15:02 |

(LSVN) - Chiều ngày 26/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về 16 nội dung, trong đó có 14 nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba và ban hành Nghị quyết thuộc thẩm quyền, xem xét báo cáo công tác Dân nguyện của Quốc hội. Đối với từng nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đã có thông báo kết luận của UBTVQH đến các cơ quan liên quan.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Về công tác lập pháp, tại Phiên họp này UBTVQH đã cho ý kiến về 8 nội dung, trong đó có 5 dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, dự kiến chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022, báo cáo của Chính phủ tổng kết Nghị quyết 42 ngày 21/6/2014, Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, UBTVQH cơ bản thống nhất với đánh giá và triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua, các nguyên tắc của dự kiến chương trình như đề cập trong Báo cáo của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đồng thời, UBTVQH đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 19 để bổ sung hai nội dung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Việc xem xét thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa là nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và cơ chế thực hiện và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố đáng sống, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm khu vực châu Á và là hình mẫu của sự gắn kết phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh đã được Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra.

Ngoài ra, về các dự án Luật gồm: Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, phối hợp theo dõi đôn đốc, bám sát chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung thẩm tra có chứng kiến, có lý lẽ rõ ràng đối với quan điểm trong từng chính sách. Đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung thực hiện các kết luận của UBTVQH về từng dự án đã được Tổng Thư ký Quốc hội thông báo, kịp thời ban hành. Cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức, Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc các cơ quan hoàn thiện hồ sơ, tài liệu bảo đảm chất lượng, tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội đúng quy định của pháp luật...

PV

Đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Lê Minh Hoàng