Người bệnh đã hồi phục ý thức, cải thiện về mặt cơ lực chân tay.
Thời điểm khởi phát đột quỵ, bệnh nhân đang ăn cơm trưa, đột ngột xuất hiện méo miệng, nói khó, tay làm rơi đũa, liệt nửa người phải trong khi thời gian đến cơ sở y tế gần nhất là khoảng 15 phút đi đường. Tuy nhiên, nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp về các địa chỉ điều trị chuyên khoa đột quỵ nên bệnh nhân đã được di chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để cấp cứu sau 30 phút di chuyển.
Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, trước tình trạng rối loạn ý thức, gọi hỏi không trả lời, huyết áp tăng cao của người bệnh, các bác sĩ đã khám và nhận định các dấu hiệu điển hình của đột quỵ não cấp tính, từ đó đưa ra chỉ định chụp CT cắt lớp vi tính mạch máu não.
Kết quả hình ảnh chụp cắt lớp vi tính có dựng mạch não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong trái. Người bệnh được chẩn đoán xác định: “Đột quỵ nhồi máu não giờ thứ 2 do tắc động mạch cảnh trong bên trái/ Tăng huyết áp.”
Sau khi hội chẩn và giải thích gia đình, người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối mạch não và nhanh chóng được chuyển tới phòng can thiệp. Sau khoảng 40 phút người bệnh đã được can thiệp tái thông thành công, với lượng huyết khối được lấy ra khỏi cơ thể và mạch máu não bị tắc đã tái thông hoàn toàn. Người bệnh đã được chuyển về điều trị tại Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh đột quỵ.
Sau can thiệp khoảng 12 tiếng, người bệnh đã hồi phục ý thức, cải thiện gần như hoàn toàn về mặt cơ lực chân tay và tiếp tục được theo dõi điều trị, phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ.
Trong quá trình điều trị, người bệnh tiếp tục được làm các xét nghiệm và theo dõi. Các bác sĩ đã xác định được bệnh nhân có bệnh rung nhĩ, là yếu tố nguy cơ chính gây ra tình trạng tắc mạch não. Do đó, người bệnh đã được lên kế hoạch điều trị dự phòng thuốc chống đông để tránh nguy cơ tái phát.
Lời khuyên sau ca bệnh đột quỵ trên đường đi công tác
Thạc sĩ Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Trưởng Khoa Điều trị Thần kinh – Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ:
“Đây là trường hợp rất may mắn khi người bệnh đột quỵ trên đường đi công tác. Nhờ sự hiểu biết của đồng nghiệp nên đã nhanh chóng được chuyển đến cơ sở y tế có chuyên môn, đầy đủ phương pháp, trang thiết bị, nhờ đó có thể cấp cứu kịp thời trong giờ vàng đột quỵ.
Ngay sau can thiệp, người bệnh đã có những cải thiện rõ về lâm sàng ý thức, bệnh nhân đã nhận biết được gia đình, tay chân từ liệt hoàn toàn (cơ lực bậc 0/5) cải thiện lên có thể vận động, giơ tay chân lên khỏi mặt giường (cơ lực bậc 4/5). Tiên lượng người bệnh sẽ có những hồi phục tốt hơn trong những ngày tới”.
Ths. Bs Phan Ngọc Nhu cũng cho biết: “Giờ vàng” trong đột quỵ là khoảng thời gian kể từ khi khởi phát tới 4.5 giờ (tiêu sợi huyết), 6 giờ (can thiệp lấy huyết khối). Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não đến trong thời gian này có thể được điều trị bởi những kỹ thuật tiên tiến: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp mạch não, đem lại hiệu quả cao, hồi phục nhanh và ít di chứng hơn.
Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là địa chỉ tin cậy cấp cứu, điều trị người bệnh đột quỵ ở Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được thành lập từ tháng 9/2018, dưới sự cố vấn trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành như: GS.TS. Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Minh Hiện – Chủ tịch Hội Đột quỵ miền Bắc. Trung tâm được xây dựng hiện đại, hoàn chỉnh với 3 khoa: Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh – đột quỵ; Khoa Điều trị Thần kinh – Đột quỵ bán cấp; Khoa Phục hồi chức năng Thần kinh – Đột quỵ.
Với đội ngũ nòng cốt là những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ thường xuyên của các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân y 103… Trung tâm Đột quỵ đã từng bước hoàn thiện và triển khai được hầu hết các biện pháp điều trị kỹ thuật cao như: Can thiệp mạch máu não (lấy huyết khối, nút mạch, nút coil, đặt stent); Tiêu sợi huyết; Dẫn lưu não thất và kiểm soát áp lực nội sọ; Hạ thân nhiệt; Điều trị hồi sức đột quỵ chuyên sâu; Điều trị co cứng bằng Botulium Toxin A dưới hướng dẫn của siêu âm…
Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã tiếp nhận hàng nghìn người bệnh không chỉ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn đến từ các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Bắc, qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ
|
THƯƠNG NGUYỄN