GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tặng hoa chúc mừng bệnh nhân H. trong ngày ra viện.
Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn kèm viêm phổi nặng biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị can thiệp kịp thời bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể), CRRT (lọc máu liên tục tại giường). Đây là những kỹ thuật cao, phức tạp, rất hiệu quả để cứu sống bệnh nhân nhưng có chi phí điều trị cao, bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả.
Trước đó, nam bệnh nhân Trương H. (42 tuổi, thôn Nam Phước, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) được Bệnh viện Chân Mây chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 10/4 trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp thấp.
Sau 2 giờ điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn tiến triển nặng hơn. Các bác sĩ đã cho lọc máu liên tục tại giường nhưng toàn trạng vẫn không cải thiện, khó thở tăng thêm, bệnh nhân được cho thở máy, sử dụng kháng sinh phổ rộng và được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi nặng biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), tiên lượng tử vong cao.
Tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ xác định cứu cánh duy nhất để cứu sống bệnh nhân là dùng kỹ thuật ECMO. Tuy nhiên, để sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi một chi phí rất lớn trong khi điều kiện gia đình bệnh nhân lại rất khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc bệnh viện đã nhanh chóng yêu cầu các kíp trực khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân, viện phí sẽ tìm hướng xử lý sau.
Sau 18 ngày điều trị tích cực với hỗ trợ của kỹ thuật ECMO, CRRT, thở máy chế độ bảo vệ phổi, chế độ dinh dưỡng tốt, phục hồi chức năng, bệnh nhân dần tỉnh táo, huyết áp ổn định dần, ngưng được các phương tiện hỗ trợ. Những ngày sau đó, bệnh nhân được rút ống trợ thở thành công, tỉnh táo, giao tiếp tốt, đã tự đi lại, tập thể dục trong phòng.
Bệnh nhân H. cùng đội ngũ y bác sĩ đã nỗ lực sát cánh cùng bệnh nhân trong cuộc chiến giành giật sự sống.
Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân H. đã ổn định, hồi phục tốt, được cho ra viện trong niềm vui ngập tràn của các thầy thuốc và gia đình bệnh nhân.
TS. BS Nguyễn Tất Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết: “Bệnh nhân này được cứu sống nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám đốc Bệnh viện; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, năng lực chuyên môn cao của tập thể nhân viên bệnh viện, những kinh nghiệm về điều trị trong những đợt chống dịch Covid-19 lây lan qua đường hô hấp, sự hỗ trợ của các kỹ thuật y học tiên tiến tại bệnh viện. Chi phí điều trị của bệnh nhân H. đã lên đến hơn 700 triệu đồng, ngoài chi trả của bảo hiểm y tế thì bệnh nhân không có khả năng chi trả phần còn lại. Bệnh viện đã trích kinh phí từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân. Chúng tôi rất hạnh phúc khi bệnh nhân được cứu sống”.
Theo GS. TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Để giành giật sự sống cho bệnh nhân, đội ngũ cán bộ y tế khoa Hồi sức tích cực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm trong kiểm soát, đã vận hành, ứng dụng các kỹ thuật hồi sức cao cấp, phức tạp như ECMO, lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã hồi sinh rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch trong đó có các bệnh nhân suy đa tạng, đặc biệt trong các đợt dịch Covid 19 vừa qua”.
HOÀNG NGHĨA