/ Đời sống - Xã hội
/ Bệnh viện Trung ương Huế khám tầm soát miễn phí đái tháo đường thai kỳ cho hơn 300 sản phụ

Bệnh viện Trung ương Huế khám tầm soát miễn phí đái tháo đường thai kỳ cho hơn 300 sản phụ

05/01/2021 18:17 |

(LSVN) - Sáng 26/12, khoa Nội tiết - Thần kinh phối hợp với khoa Phụ Sản Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức khám tầm soát đái tháo đường thai kỳ và tư vấn tiền sản cho hơn 300 sản phụ tại địa bàn TP. Huế và các huyện lân cận. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng về quản lý thai nghén.

Bệnh viện Trung ương Huế khám tầm soát miễn phí đái tháo đường thai kỳ cho hơn 300 sản phụ ở TP. Huế và các huyện lân cận.

Trong buổi sinh hoạt sản phụ được khám tầm soát đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), phổ biến những kiến thức về bệnh lý đái tháo đường thai kỳ và tư vấn tiền sản. Những sản phụ được tầm soát, nếu phát hiện đái tháo đường sẽ được tư vấn điều trị, theo dõi và quản lý sau đó.

Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa do nhiều nguyên nhân, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính và chiếm khoảng 60 – 70% các bệnh lý nội tiết. Tăng glucose máu mạn tính gây rối loạn, tổn thương chức năng hay suy nhiều cơ quan. Đặc biệt trong thời gian mang thai, đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một thể của bệnh đái tháo đường, là một trong những rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thời gian mang thai. ĐTĐTK là một biến cố y khoa lớn, nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp sẽ làm gia tăng bệnh suất và tử suất của mẹ và thai nhi.

Hiện nay, điều kiện sống nâng cao, tỷ lệ ĐTĐTK có xu hướng ngày càng tăng, song song với tỷ lệ thừa cân–béo phì và ĐTĐ típ 2. Tỷ lệ ĐTĐTK tăng nhanh nhất ở khu vực Châu Á–Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ mắc ĐTĐTK cũng ngày càng tăng do tuổi sinh đẻ tăng, phụ nữ ngày càng thừa cân, béo phì và ít vận động. Tỉ lệ ĐTĐTK thay đổi tùy thuộc vào dân số nghiên cứu, tiêu chí chọn mẫu, tiêu chuẩn chẩn đoán. Tại Việt Nam, trong một số nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau, tỉ lệ này tăng từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012 và 20,9% năm 2017.

Hậu quả của ĐTĐTK đối với mẹ, tăng nguy cơ bị: Tiền sản giật – Sản giật; Sang chấn sản khoa; Tăng nguy cơ mổ lấy thai; 30 – 50% phụ nữ bị ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ típ 2 sau này.

Đối với con, tăng nguy cơ bị: Thai to trên 4000gr; Đa ối; Sẩy thai; Thai chết lưu hoặc chết trong chuyển dạ; Dị tật bẩm sinh; Hạ đường huyết; Kẹt vai; Hạ canxi; Suy hô hấp; Đa hồng cầu; Tăng bilirubin máu.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành xét nghiệm đường máu cho các sản phụ.

Vì vậy, những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao cần được tầm soát bệnh ĐTĐTK ngay từ lần khám thai đầu tiên, những thai phụ chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó cần được tầm soát ĐTĐ thai kỳ từ tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ. Những bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần được kiểm soát đường huyết chặt chẽ và theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi để phát hiện sớm, kịp thời những biến chứng để có những biện pháp can thiệp thích hợp, hiệu quả nhằm giảm những tai biến sản khoa cho mẹ và bé.

Để điều trị ĐTĐTK cần tiếp cận điều trị đái tháo đường thai kỳ, thay đổi chế độ ăn tiết chế và đánh giá lại sau 02 tuần. Tránh chế độ ăn giảm năng lượng và dễ bị nhiễm ceton, điều trị insulin (nếu đường huyết mục tiêu không đạt được sau 02 tuần).

Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi bệnh nhân không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế và tập luyện thể lực đơn thuần. Cho đến nay Insulin human (nguồn gốc người) là thuốc duy nhất được FDA chấp nhận cho điều trị bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ.

HOÀNG NGHĨA

/them-yeu-cau-ve-danh-gia-chat-luong-benh-vien-nam-2020.html