Ảnh minh họa.
Theo đó, Công văn 472/BHXH-TTKT nêu rõ, ngày 11/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN, có hiệu lực từ ngày 01/3/2024.
Để việc triển khai Nghị định 03/2024/NĐ-CP đúng quy định, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tập trung chỉ đạo chuẩn bị các nội dung có liên quan, trong đó có việc xây dựng văn bản thay thế Quyết định 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 ban hành quy định hoạt động TTCN đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và hoạt động kiểm tra của Ngành BHXH Việt Nam. Nhằm đảm bảo công tác TTCN tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) không bị gián đoạn, trong thời gian chờ ban hành các quy định phù hợp với tình hình mới, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH tỉnh thực hiện một số nội dung sau:
Phổ biến quán triệt các nội dung, quy định của Nghị định 03/2024/NĐ-CP đến từng viên chức làm công tác thanh tra và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.
Về thực hiện nhiệm vụ TTCN
Đối với việc phân công người thực hiện nhiệm vụ TTCN thì Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 24, Nghị định 03/2024/NĐ-CP để ban hành quyết định phân công thực hiện nhiệm vụ TTCN kể từ ngày 01/3/2024 đối với đối tượng là Phó Giám đốc BHXH tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Kiểm tra; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý thu, Sổ - thẻ; Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và viên chức phòng Thanh tra - Kiểm tra khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây:
Đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, trong đó có ít nhất 01 năm làm chuyên môn trong lĩnh vực quản lý thu, sổ thẻ, thanh tra, kiểm tra (không kể thời gian tập sự).
Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra hoặc chứng chỉ thanh tra viên của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với việc phân công Trưởng đoàn thanh tra thì Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 33, Nghị định 03/2024/NĐ-CP và khả năng của người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN để phân công làm Trưởng đoàn thanh tra. Giám đốc BHXH tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về việc phân công Trưởng đoàn thanh tra.
Về trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành BHXH thì trang phục, thẻ TTCN (còn thời hạn sử dụng) đã cấp cho người thực hiện nhiệm vụ TTCN cho đến khi có quy định mới của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn trong hoạt động TTCN; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng TTCN, người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN, Trưởng đoàn, thành viên đoàn TTCN.
BHXH tỉnh căn cứ quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022 và Nghị định 03/2024/NĐ-CP để tổ chức thực hiện.
Riêng chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động thanh tra tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 1518/QĐ-BHXH và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Về thực hiện kiểm tra
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn trong hoạt động kiểm tra, chế độ thông tin, báo cáo và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn, thành viên đoàn kiểm tra tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 1518/QĐ-BHXH và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Về chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra
Để hoạt động TTCN, kiểm tra thực hiện thống nhất, kịp thời và hiệu quả, Tổng Giám đốc yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra.
Ngày 01/3/2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt Thanh tra BHXH Việt Nam. Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã trao quyết định về công tác cán bộ. Ông Bùi Quang huy giữ chức vụ Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, ngày 11/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, từ ngày 01/3/2024, BHXH Việt Nam được thành lập cơ quan thanh tra. Đây đã trở thành ngày có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam và đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam. Trước đó, BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 2039/QĐ-BHXH về việc ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2024 của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Bình Dương (18 đơn vị), Hải Phòng (08 đơn vị), Bạc Liêu (06 đơn vị), Kon Tum (06 đơn vị), Hà Nam (08 đơn vị), Đắk Lắk (09 đơn vị), Đồng Tháp (06 đơn vị), Sóc Trăng (8 đơn vị), Quảng Bình (07 đơn vị), Tiền Giang (08 đơn vị); kiểm tra chuyên đề về thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại 08 tỉnh gồm: An Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và một số công ty thành viên. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng giao BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng 6.964 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 2.254 đơn vị. Đồng thời, kiểm tra 5.026 đơn vị sử dụng lao động, 529 cơ sở khám chữa bệnh và 516 tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả. Trong đó, 05 địa phương có số đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng cao nhất là: TP. Hồ Chí Minh (660 đơn vị); Hà Nội (650 đơn vị); Phú Thọ (200 đơn vị); Đồng Nai (195 đơn vị); Nghệ An (180 đơn vị); Bình Dương (180 đơn vị). |
HOÀNG NGUYÊN
Chính phủ quyết nghị về 5 dự án luật và đề nghị xây dựng luật