Ảnh minh họa.
BHXH Việt Nam vừa cho ý kiến với đề xuất của 13 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHXH khi hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Theo Luật BHXH hiện hành, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc bằng 25,5% tiền lương tháng tính đóng, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%. Từ đó, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng BHXH cho người lao động xuống 5%, người sử dụng lao động đóng còn 15%.
Trước kiến nghị trên, BHXH Việt Nam cho rằng, mức đóng BHXH đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong các mối quan hệ đóng – hưởng, giá trị tuyệt đối, độ bao phủ BHXH, sự chia sẻ. Tỷ lệ đóng BHXH chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật BHXH 2007. Từ Luật BHXH 2014 đến dự thảo Luật BHXH sửa đổi hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp đang so sánh mức đóng BHXH với các nước có mô hình đóng – hưởng BHXH không tương đồng với Việt Nam. Với Việt Nam, tỷ lệ đóng BHXH cao, nhưng hưởng cũng cao. Tuy nhiên, lương hưu thực tế của người lao động lại thấp, do tiền lương tính đóng thấp. Năm 2022, mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng.
Luật BHXH đã quy định, từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng BHXH gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động. Song nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.
Về đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và BHYT, đại diện BHXH cho rằng, với mức đóng BHYT và quyền lợi hưởng BHYT như hiện nay, quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm đã tiệm cận với chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong năm, bắt đầu có xu hướng phải sử dụng quỹ dự phòng để bổ sung (trừ năm 2020 do dịch Covid-19).
Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, trong Tờ trình số 05/TTr- LĐTBXH, ngày 01/02/2023 đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ; tại nhóm chính sách 2 cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp “tối đa” và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Các chính sách này đang được quy định tại các Luật chuyên ngành khác, vì vậy, khi Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi các Luật này, đề nghị các cơ quan chủ trì xem xét cụ thể về đề xuất giảm mức đóng mà Hiệp hội các doanh nghiệp có ý kiến, đánh giá trong mối tương quan với các điều kiện hưởng, phù hợp với thiết kế tổng thể của những chính sách này.
PV
Bộ Công an đảm bảo an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chip