3 lần kỷ luật trong gần 2 năm
Liên quan đến vụ việc tại Bình Định, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng cùng Phó Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Công Thành và 2 người khác đi đánh golf phải cách ly tập trung vì tiếp xúc với F0.
Vừa qua, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Định cũng đã thi hành kỷ luật về mặt Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch và bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc TTXTDL Bình Định. Trong đó, ông Dũng chơi golf giữa lệnh cấm, còn bà Bình có hành vi gửi giấy mời "khảo sát thực địa" sân golf để hợp thức hóa cho hành vi chơi golf trái quy định của 2 ông Dũng và Thành.
Đến ngày 01/9, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm chức Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đối với ông Nguyễn Văn Dũng và Sở Du lịch Bình Định cũng đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ Giám đốc TTXTDL Bình Định đối với bà Huỳnh Thị Kim Bình.
Đối với ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục thuế Bình Định, trên cơ sở đề nghị của UBKT Tỉnh ủy Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định vừa họp và thống nhất gửi văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính xem xét, xử lý về chính quyền về hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 13 ngày 31/8, UBKT Tỉnh ủy Bình Định đã thi hành kỷ luật về mặt Đảng bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Công Thành do đã chơi golf trong lúc chính quyền địa phương ban hành lệnh cấm để phòng chống dịch Covid-19.
Cách đây gần 2 năm, tháng 11/2019, ông Nguyễn Công Thành cũng đã bị UBKT Tỉnh ủy Bình Định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về những hành vi vi phạm khi đương chức Cục trưởng Cục thuế Bình Định. Cụ thể, trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thuế Bình Định từ năm 2014 đến ngày 05/5/2019, ông Thành đã có những vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý thuế; thiếu kiểm tra, giáo dục cán bộ, đảng viên, để cán bộ cấp dưới tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Đến giữa tháng 10/2019, ông Nguyễn Công Thành cũng đã bị Bộ Tài chính kỷ luật bằng hình thức giáng chức từ Cục trưởng xuống làm Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định cho đến nay.
Như vậy, trong vòng chưa đầy 2 năm, ông Nguyễn Công Thành đã 3 lần bị kỷ luật, trong đó 2 lần về mặt Đảng và 1 lần về mặt chính quyền.
Vậy, trong lần xử lý kỷ luật thứ 4 về hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 này, liệu ông Thành có bị buộc thôi việc hay không?.
Cần áp dụng biện pháp nghiêm khắc nhất
Luật sư Lê Văn Thuyên, Công ty luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Định được xếp vào loại vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP vì đã gây ra tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
"Do đó, có thể áp dụng biện pháp mạnh nhất, nghiêm khắc nhất như “cách chức hoặc buộc thôi việc” mới đảm bảo tính răn đe và phát huy công tác phòng chống dịch của toàn dân", Luật sư Thuyên chia sẻ.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc này, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cán bộ, công chức phải là những người gương mẫu.
"Đi đánh golf khi đang trong thời gian giãn cách cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của một cán số cán bộ ở địa phương hiện nay còn rất hạn chế, phải nói là ý thức kém, không gương mẫu. Vì sở thích, nhu cầu cá nhân mà bỏ qua các quy định về phòng chống dịch bệnh trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương như hiện nay", ông Cương nói.
Trước quan điểm cho rằng “không chỉ cách ly, mà cần cách chức” các cán bộ vi phạm này, ông Cương cho biết, đã là cán bộ mà không gương mẫu, lại còn vi phạm thì đương nhiên sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh cả về mặt đảng, cả về mặt chính quyền. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành các văn bản, chỉ thị quy định tạm dừng hoạt động thể thao, giải trí tại các điểm công cộng. Đáng lẽ, họ phải là người gương mẫu, chấp hành nghiêm nhưng lại có hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS đánh giá hành vi nêu trên của ông Nguyễn Công Thành đã vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, theo đó, hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người”, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Công Thành cũng sẽ phải chịu các trách nhiệm kỷ luật về Đảng và Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Cán bộ, công chức) quy định rõ, công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về các mức độ của hành vi vi phạm, bao gồm: Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là những căn cứ rất quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và áp dụng hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, công chức có vi phạm.
"Nếu kết quả xác minh cho thấy vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì ông Nguyễn Công Thành có thể phải chịu một trong hình thức kỷ luật là “giáng chức”,” cách chức” hoặc “buộc thôi việc” theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức", Luật sư Hùng nói.
Trước quan điểm Phó Cục trưởng cục Thuế này đã bị 3 lần kỉ luật trong gần 2 năm thì cần phải xử lý buộc thôi việc, Luật sư Hùng cho rằng, căn cứ theo Điều 30 Luật Cán bộ, công chức thì cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp như không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, uy tín, theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác.
"Việc ông Nguyễn Công Thành phải chịu hình thức kỷ luật nào hoặc được thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm sẽ còn phụ thuộc vào kết quả xác minh, xem xét đánh giá khách quan và toàn diện rất nhiều yếu tố (nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra) theo quy định của pháp luật", Luật sư Hùng chia sẻ.
PHƯƠNG HOA
Bình Định đình chỉ công tác Giám đốc Sở Du lịch chơi golf trong lúc giãn cách