Ảnh minh họa.
VNeID là ứng dụng định danh điện tử trên thiết bị di động được phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, trực thuộc Bộ Công an Việt Nam. VNeID được xây dựng với mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số.
Theo quy định tại Thông tư 28/2024/TT-BCA ban hành ngày 29/6/2024 của Bộ Công an, sửa đổi Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (CSGT) thì từ ngày 01/7, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.
Đối với trường hợp vi phạm, CSGT sẽ tạm giữ hoặc tước GPLX trên môi trường điện tử thay cho bản cứng. Như vậy, việc tích hợp GPLX trên ứng dụng VNeID được coi là giấy tờ hợp lệ giúp người dân không phải mang theo quá nhiều bản cứng của giấy tờ khi tham gia giao thông.
Sau khoảng hơn 10 ngày triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2024/TT-BCA, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản gần 7000 trường hợp, tạm giữ hơn 2.000 giấy phép lái xe, đăng ký xe; tước khoảng 500 giấy phép lái xe trên môi trường điện tử.
Trình tự thực hiện theo quy định là khi phát hiện người lái xe vi phạm, nếu lỗi ở mức phải tạm giữ bằng lái, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt, tạm giữ/tước. Nếu người tham gia giao thông xuất trình giấy tờ điện tử thì CSGT sẽ kiểm tra bằng cách nhập số GPLX vào trang web để tra cứu.
Đối với trường hợp kết quả tra cứu hiển thị giấy phép lái xe chưa bị tạm giữ/tước, CSGT lập biên bản tạm giữ/tước giấy phép lái xe trên môi trường điện tử đối với người vi phạm (không tạm giữ GPLX bản cứng).
Cũng căn cứ quy định này, khi người vi phạm bị CSGT tước/tạm giữ giấy phép lái xe trên VNeID thì thông tin về việc tước/tạm giữ đó sẽ được CSGT cập nhật lên hệ thống. Khi CSGT kiểm tra giấy phép lái xe sẽ tra cứu trên hệ thống xem giấy phép lái xe của người vi phạm có đang bị tước/tạm giữ hay không.
Giấy phép lái xe bản cứng và giấy phép lái xe tích hợp trên ứng dụng VNeID có giá trị sử dụng như nhau. Do đó, khi đã bị CSGT tước hoặc tạm giữ giấy phép lái xe trên VNeID thì không thể dùng bản giấy trong thời gian bản điện tử đang bị tước, tạm giữ vì CSGT sẽ tra cứu trên hệ thống và thống giấy phép lái xe bản điện tử đang bị tước/tạm giữ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đã bị tước GPLX trên ứng dụng VNeID thì người dân sẽ không được sử dụng bản cứng cùng loại để tiếp tục tham gia giao thông.
Trường hợp nếu người vi phạm bị nơi khác tạm giữ/tước GPLX mà vẫn lái xe, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản với lỗi không có GPLX và tạm giữ xe theo quy định.
Sau khi CSGT lập biên bản, thông tin về việc tạm giữ/tước giấy tờ sẽ được cập nhật lên tài khoản VNeID của người vi phạm, ứng dụng sẽ hiển thị rõ khoảng thời gian tạm giữ bao lâu, đơn vị nào xử lý vi phạm và đang tạm giữ giấy tờ. Người vi phạm sẽ phải thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công hoặc nộp tại cơ quan có thẩm quyền.
Sau thời hạn bị tạm giữ hoặc bị tước GPLX theo quy định, người vi phạm xuất trình kết quả nộp phạt hành chính và CSGT sẽ cập nhật kết quả giải quyết để hủy bỏ nội dung hiển thị trên VNeID về việc tạm giữ, tước giấy tờ.
Trên ứng dụng VneID sẽ thể hiện rõ nội dung bằng lái xe đã tích hợp là ô tô hay xe máy, do vậy khi bị tước bằng ô tô hay xe máy trên app sẽ ghi rõ loại giấy tờ, do vậy nếu bị tước một một trong hai thì người dân vẫn có thể sử dụng GPLX còn lại để tham gia giao thông. Trường hợp bị tước cả hai thì hệ thống cũng sẽ thể hiện rõ để người dân có thể dễ dàng tra cứu và lưu ý khi tham gia giao thông.
MINH QUÝ (t/h)