/ Đời sống - Xã hội
/ 'Bí quyết' Việt Nam vượt qua đại dịch

'Bí quyết' Việt Nam vượt qua đại dịch

05/01/2021 18:02 |

Với sự tập trung sức mạnh từ trung ương đến toàn thể xã hội cho phép Việt Nam được quyền hy vọng trở thành một trong những nước có các chỉ số liên quan đến Covid-19 thấp nhất thế giới và vượt qua đại dịch với hậu quả để lại ít nhất.

Người dân được kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách 2 mét khi đến thăm khám tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

TTXVN cho biết, Đài Sputnik (Nga) ngày 23/4 dẫn nhận định của chuyên gia về Việt Nam học người Nga Maxim Syunnerberg, Phó Giáo sư Học viện Á-Phi, Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov nhấn mạnh Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ 3 yếu tố chính: Hành động nhanh chóng, kịp thời của chính quyền, thái độ có trách nhiệm của người dân cũng như việc công khai, minh bạch thông tin.

Theo ông Syunnerberg, Việt Nam đạt kết quả tốt về phòng chống dịch Covid-19 với tỷ lệ lây nhiễm virus thấp. Đến ngày 23/4, Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc bệnh và không có người nào tử vong.

Chuyên gia Nga điểm lại những phản ứng nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam. Trung tâm ứng phó khẩn cấp đã được thành lập chỉ một ngày sau khi xuất hiện trường hợp nhiễm virus đầu tiên.

Ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xuất hiện dịch bệnh ở 3 địa phương, khi Việt Nam mới có 6 người mắc Covid-19.

Tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đình chỉ hoạt động của tất cả các trường học cho đến cuối tháng 3, sau đó gia hạn. Ngày 4/3, một cuộc diễn tập quy mô chưa từng có đã được tổ chức để ứng phó với các kịch bản phát triển dịch bệnh khác nhau.

Từ giữa tháng 3, Việt Nam dần dần ngừng các chuyến bay với những quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, và áp đặt hạn chế cấp thị thực cho người nước ngoài. Từ ngày 16/3, việc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng đã trở thành quy định bắt buộc.

Ngày 1/4, một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố về dịch bệnh, chế độ tự cách ly được thực hiện trên khắp Việt Nam, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để mua thực phẩm hay đến các cơ sở y tế và hiệu thuốc. Về mặt kinh tế, đầu tháng 3, Chính phủ Việt Nam đã công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Bài viết lưu ý Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia mà chính phủ có tỷ lệ tín nhiệm cao nhất trong dân chúng về phản ứng trước dịch bệnh. Các khẩu hiệu yêu nước rất hiệu quả trong việc huy động và tập hợp xã hội chống lại virus. 

Theo chuyên gia Maxim Syunnerberg, các phương tiện truyền thông Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng khi đưa tin tích cực và kịp thời chi tiết về tình hình dịch bệnh trên thế giới và đặc biệt ở ngay trong nước.

Không chỉ chuyên trang y tế, mà cả các trang tin tức phổ biến nhất cũng đưa thông tin chi tiết về từng trường hợp cụ thể, như dữ liệu người nhiễm bệnh và toàn bộ lộ trình di chuyển. Việc công khai tối đa thông tin trên đã tạo thuận lợi lớn cho người dân và bác sỹ trong phòng ngừa dịch bệnh.

Đặc biệt, ông Syunnerberg nêu rõ thái độ có trách nhiệm của người dân Việt Nam trước dịch bệnh là yếu tố không kém phần quan trọng so với các hành động kịp thời của chính phủ.

Ở Việt Nam, các nguy cơ đều được xử lý nghiêm túc ngay từ đầu. Điều này đặc biệt đúng khi theo dõi bình luận trên các trang web tin tức và diễn đàn trực tuyến. Nhiều cách làm sáng tạo của người dân nhằm ứng phó với dịch bệnh được phản ánh trong các video, bài hát... dành riêng cho chủ đề Covid-19 và rất được phổ biến trong nước. 

Ông Syunnerberg còn nhấn mạnh đến góc độ khoa học, Việt Nam đã trở thành một trong bốn quốc gia đầu tiên trên thế giới nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2. Các bộ test thử nghiệm được phát triển nhanh chóng, đưa sản phẩm có thể tiếp cận rộng rãi với dân chúng. Các bộ xét nghiệm này và gần đây là các thiết bị y tế khác, được Việt Nam xuất khẩu rộng rãi sang châu Âu và Mỹ.

Chuyên gia Nga cho rằng sự tập trung sức mạnh từ trung ương đến toàn thể xã hội cho phép Việt Nam được quyền hy vọng trở thành một trong những nước có các chỉ số liên quan đến Covid-19 thấp nhất thế giới và vượt qua đại dịch mà hậu quả để lại ít nhất.

VGP

/vi-sao-da-am-tinh-con-duong-tinh-tro-lai.html