Bí thư Thành ủy Hà Nội: 15 ngày giãn cách thứ hai có ý nghĩa quyết định

09/08/2021 07:50 | 3 năm trước

(LSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người," "gia đình cách ly với gia đình,” kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy".

Hôm nay (09/8), Thủ đô bước vào ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội tiếp theo (15 ngày) theo Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dựa trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  

Việc UBND thành phố Hà Nội quyết định kéo dài thời gian giãn cách (ban đầu là 15 ngày, từ 06h ngày 24/7 đến 06h ngày 08/8) không phải là biện pháp bị động mà có sự chuẩn bị kỹ càng.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội: "Thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị số 17/CT-UBND đến 6 giờ ngày 23/8/2021. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021; quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. Chủ tịch Hà Nội yêu cầu từng cấp, ngành, đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vừa qua trên địa bàn thành phố. Sở Y tế được giao nhiệm vụ kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế; có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, diễn biến dịch tại địa bàn Hà Nội  vẫn rất phức tạp. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 08/8 đến 6h ngày 09/8, Thủ đô ghi nhận 9 ca mắc mới Covid-19; trong đó có 8 ca tại khu cách ly, 1 ca tại cộng đồng.

Tính riêng từ ngày 05/7 đến nay, Hà Nội có 1.283 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, sau 16 ngày, số ca mắc Covid-19 là 1.118 ca.

Đáng chú ý, các ca bệnh mới xuất hiện trong bệnh viện, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối; có mặt ở hầu hết 30 quận, huyện, thị xã, với 10 chùm ca bệnh khác nhau.

Đánh giá 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong  2 tuần thực hiện giãn cách vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; tận dụng hiệu quả thời gian này để truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng...

Tuy vậy, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị.

Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn dịch, Thường trực Thành ủy đã nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới 06h ngày 23/8.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người," "gia đình cách ly với gia đình,” kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy.”

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đã chỉ đạo siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường để bảo đảm các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định: Bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

Dù vậy, ông cũng lưu ý việc tiêm vaccine là biện pháp căn cơ, lâu dài, do vậy thành phố, các quận, huyện, thị xã đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, được phân bổ đến đâu tiêm hết đến đó; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy định, an toàn, hiệu quả.

DUY ANH

Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện