Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp trực tuyến, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính đến sáng 23/8, toàn tỉnh này ghi nhận 18.356 ca dương tính, trong đó 7.146 ca khỏi bệnh, 131 bệnh nhân tử vong. Hiện có hơn 11.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Về thực hiện Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, tính đến 23 giờ tối 22/8, toàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện hơn 44 nghìn test nhanh (gộp) cho hơn 870 nghìn người dân, phát hiện hơn 1.700 trường hợp dương tính. Toàn tỉnh đã có hơn 388.650 người được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 45.000 người đã tiêm đủ 2 liều, nhiều địa phương do thiếu nhân lực, còn chậm trễ trong việc báo cáo tiến độ tiêm chủng.
Tại hội nghị Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hoàng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh từ ngày 16 đến 21/8/2021, các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, dịch bệnh đã lây lan thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn các huyện, thành phố; nhiều ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục được ghi nhận thông qua test nhanh sàng lọc, nguồn lây nhiễm lan rộng; các ca bệnh xuất hiện ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn huyện, thành phố; đồng thời nhiều ca lây nhiễm trong các khu nhà trọ có đông công nhân lao động.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Trong công tác thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã chi trả cho hơn 44.000 lao động tự do bị mất việc với số tiền hơn 66 tỉ đồng theo NQ68 của Chính phủ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 92 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có hơn 26.000 hộ trong các khu nhà trọ cũng cần được hỗ trợ.
Trước những ý kiến, kiến nghị của các thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh và các địa phương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, việc thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ quyết định 70% đến 80% thành công trong chống dịch, đề nghị lãnh đạo các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Các chốt chặn ở các cửa ngõ phải kiểm soát chặt chẽ. Chủ tịch đề nghị các địa phương huy động lực lượng giáo viên trên địa bàn vào công tác lấy mẫu, nhập liệu, không thể nói thiếu nhân lực và trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh. Các địa phương phải nắm tình hình các doanh nghiệp không nằm trong khu công nghiệp nhưng vẫn thực hiện “3 tại chỗ” để đăng ký với Sở Y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng danh sách và lực lượng để khi có hàng hóa, tiền hỗ trợ thì nhanh chóng phân bổ đến từng hộ gia đình. Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã tính toán gói hỗ trợ khoảng 263 tỉ đồng cho các đối tượng khó khăn và sẽ trình Hội đồng Nhân dân tỉnh. Đồng thời các địa phương thành lập ngay đường dây nóng hỗ trợ an sinh xã hội và y tế. Không được để người dân thiếu đói và không được để người bệnh thiếu oxy.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dân đói. Các đồng chí Bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này. Nếu để một hộ dân nào đói, thì Bí thư phải chịu trách nhiệm. Các đồng chí Bí thư cấp ủy phải cam kết việc này, vì đó là Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Chính phủ. Muốn dân không đói thì các nguồn lực phải đưa ngay về xã và xã phải chuyển đến từng người dân một cách hiệu quả. Mỗi xã, phường phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn. Trong lúc này, nếu để người dân nào thiếu đói thì Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước tiên”.
Bí thư yêu cầu UBND tỉnh nghiên cứu, có giải pháp bổ sung thêm nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách cho lực lượng tuyến đầu yên tâm công tác. Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, phân công các Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các sở, ngành về cơ sở thực hiện công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần lan tỏa tinh thần nhân văn, có trách nhiệm thông tin, kết nối, khi thấy các trường hợp cần giúp đỡ thì báo ngay đến cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong Công điện số 1099, ngày 22/8/2021, Chính phủ đã chỉ đạo phải lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đó, cách ly người với người, nhà với nhà, xã - phường với xã - phường; người dân là trung tâm phục vụ và cũng là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, toàn bộ nguồn lực chăm lo cho dân phải được chuyển ngay về xã, phường; toàn bộ nhân lực kiểm soát phòng, chống dịch cũng cần được đưa về xã, phường; lấy xã, phường làm trung tâm và tỉnh, huyện, thành phố phải hỗ trợ cho xã, phường để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch...
XUÂN PHƯƠNG – THANH NIÊN