Đồng tiền Bitcoin và biểu tượng Binance. Ảnh: Reuters/TTXVN.
Ngày 21/11, Giám đốc Điều hành (CEO) Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Binance, ông Changpeng Zhao, đã thừa nhận vi phạm Luật chống Rửa tiền của Mỹ, đồng thời thông báo từ chức.
Đây là một phần thỏa thuận dàn xếp pháp lý, trong đó sàn giao dịch này sẽ phải chịu các khoản phạt với tổng giá trị hơn 4 tỉ USD.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, việc Binance thừa nhận sai phạm là một phần thỏa thuận dàn xếp với các bên liên quan trong đó có Cơ quan Chống tội phạm Tài chính và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.
Theo các công tố viên, thỏa thuận cho phép Binance chi trả 1,81 tỉ USD trong 15 tháng và tiếp tục chịu tịch biên 2,51 tỉ USD. Đây cũng là những khoản dàn xếp có giá trị lớn nhất trong lịch sử các cơ quan này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chỉ trích Binance mải mê đuổi theo lợi nhuận mà coi thường các nghĩa vụ pháp lý, khiến nguồn tiền rơi vào tay những kẻ khủng bố, tội phạm mạng và những kẻ lạm dụng trẻ em.
Bà lưu ý rằng Binance cũng đã làm suy yếu các biện pháp kiểm soát giám sát trừng phạt, cho phép thực hiện 1,5 triệu giao dịch tiền kỹ thuật số vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ và không báo cáo lên cơ quan chức năng các giao dịch đáng nghi.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh các khoản phạt nêu trên và việc áp dụng quá trình giám sát 5 năm đối với Binance đánh dấu cột mốc quan trọng của lĩnh vực tiền kỹ thuật số.
Binance được thành lập năm 2017 và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số, đưa CEO Zhao thành tỉ phú.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho rằng Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới một phần là do đã thực hiện những hành vi phạm pháp và đến nay, sàn giao dịch này cũng phải chịu một trong những khoản phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử đất nước.
Theo các tài liệu tòa án, những vi phạm của Binance bao gồm không ngăn chặn và báo cáo các giao dịch với các tổ chức như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, cho phép khớp giao dịch giữa người dùng ở Mỹ và những tổ chức chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ở một số nước.
Từ nay về sau, Binance phải nộp báo cáo về những hành động đáng nghi theo quy định của luật pháp, bên cạnh đó còn phải đánh giá những giao dịch đã thực hiện và báo cáo lên cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu tình nghi.
CEO Changpeng Zhao quốc tịch Canada, sinh sống ở nước ngoài, đã trực tiếp đến Mỹ nhận tội tại tòa án Seattle chiều 21/11.
Theo thỏa thuận, ông Zhao bị cấm tham gia điều hành hoạt động kinh doanh của Binance và sẽ bị đưa ra xem xét mức án phạt trong thời gian tới.
Báo New York Times đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất án 18 tháng tù với ông Zhao, mức tối đa theo các hướng dẫn liên bang.
Chia sẻ trên mạng xã hội sau khi thỏa thuận dàn xếp được công bố, ông Zhao xác nhận từ chức CEO Binance, gọi đây là việc làm đúng đắn, chịu trách nhiệm cho những sai lầm đã gây ra.
Đây là đòn giáng tiếp theo với lĩnh vực tiền kỹ thuật số vốn đã chao đảo vì các cuộc điều tra và các cáo buộc gian lận nhằm vào nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried, nhân vật được coi là "kình địch" của ông Changpeng Zhao.
Theo giới quan sát, dù ông Zhao đã bị giới chức điều tra từ nhiều năm nay nhưng việc CEO này chính thức thông báo từ chức thực sự đánh dấu biến cố với một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số và với Binance.
Thỏa thuận dàn xếp nêu trên cũng đặt ra nhiều hoài nghi về tương lai của sàn giao dịch điện tử lâu nay vẫn do ông quản lý sát sao.
Richard Teng, thân tín lâu năm trong ban lãnh đạo Binance, sẽ thay thế ông Zhao làm CEO của sàn này.
Theo TTXVN