Theo đó, 227 cơ sở nhà, đất được giữ lại tiếp tục sử dụng; 57 cơ sở nhà, đất được điều chuyển; 22 cơ sở nhà, đất được chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; 99 cơ sở nhà, đất được thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 1 cơ sở nhà đất.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài chính căn cứ phương án tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã giao cho một số đơn vị nhằm chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công.
Trước đó, ngày 16/11, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã kiểm tra hiện trường việc quản lý sử dụng tài sản công (cơ sở nhà, đất) tại TP. Quy Nhơn.
Đoàn đã kiểm tra tại 9 cơ sở nhà, đất hiện đang dôi dư, chưa đưa vào sử dụng. Trong đó có 8 cơ sở nhà, đất dôi dư đã trình UBND tỉnh Bình Định phương án xử lý; 1 cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chủ quản đẩy nhanh tiến độ rà soát sắp xếp tài sản công. Thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
Nguyên tắc xử lý đối với cơ sở nhà, đất dôi dư: Thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, đấu giá đối với cơ sở nhà, đất dôi dư có mục đích sử dụng đất mới là đất ở, đất thương mại dịch vụ… để tăng hiệu quả sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí.